Vì tiền, chấp nhận để kiến cắn chi chít khắp người

ANTĐ - Có một công việc vô cùng đặc biệt cũng không kém phần vất vả, hiểm nguy mà nhiều người phụ nữ ở Krong Pa (Gia Lai) đang làm, ấy là việc đi săn kiến vàng làm đặc sản. Ngày ngày họ chui rúc trong rừng, chấp nhận những vết thương của kiến cắn để lấy được tổ kiến mang về, không những thế, họ còn phải đối mặt với những nguy hiểm khác rình tập như rắn rết, thú rừng tấn công. 

Vì tiền, chấp nhận để kiến cắn chi chít khắp người ảnh 1Thành quả sau một ngày đi săn kiến của chị H’trang

Nghề của những vết cắn

Đó là một nghề mưu sinh không giống ai, không kể nắng hay mưa, ngày nào họ cũng băng rừng, bạt núi từ sáng đến chiều rong ruổi trên những cánh rừng, dọc những con nước để tìm tổ kiến vàng mang về bán cho những người nuôi chim, cá cảnh và một số nhà hàng làm món ăn đặc sản trứng kiến, muối kiến vàng. Chị Ksor H’Trang (48 tuổi, người Jrai ở buôn Sai, xã Chư Ngọc) có gần 20 năm làm nghề này, tâm sự: “Lúc trước ít người mua, kiến vàng mang bán không đắp đổi được ngày công nên nhiều người bỏ nghề. Vợ chồng tui không biết làm gì mới bám nghề đến nay. Khổ lắm chú ơi, theo tụi tui không nổi đâu! Hiện nay chỉ có vài người làm nghề này. Mỗi ngày giỏi lắm chỉ kiếm được từ 1-3kg, chúng tôi phải đi các khu rừng ở xa, có khi lạc xuống tận huyện Đồng Xuân (Phú Yên), hay sang tận Krong Ch’ro bên cạnh.

Ngày nào đi gần cũng mười tiếng mới về. Chồng mình đi theo mới có hai bận đã bỏ nghề luôn!”. 

Thấy một tổ kiến vàng khá to trên một nhánh cây của thân cây dẻ khá lớn, chị Trang chuẩn bị đồ nghề hì hục rồi bảo: “Các anh thấy rứa chớ bắt kiến nguy hiểm lắm. Làm nghề này phải không sợ độ cao và nhất là khả năng chịu đau, chấp nhận cho kiến cắn ở mọi chỗ!”. Nói rồi chị trèo lên cây nhanh như vượn, chừng vài phút thì một tổ kiến đã được gói gém cẩn thận bỏ vào phía sau gùi.

Có đi làm nghề này mới thấy sự vất vả và nguy hiểm. Mùa đông thì nước lớn, đường trơn, mùa hè nắng nóng. Chuyện kiến, ong, rắn rết, bọ cạp cắn là thường ngày đối với họ. Nghề này nguy hiểm bởi họ thường đi làm một mình giữa rừng núi, khi gặp nạn cũng chỉ một mình chống chọi. Những tổ kiến thường đóng cao trên ngọn cây, khi sào không với tới thì bắt buộc họ phải leo lên thọc vào tổ kiến. Tổ kiến bị phá vỡ khiến kiến rơi vào người cắn đau thấu xương, có người chịu không nổi buông tay thế là ngã gãy chân gãy tay là thường.

Việc này rất nguy hiểm vì dễ bị kiến cắn. Bà Siu H’Tố (50 tuổi), một người săn kiến lâu năm bật mí bí quyết: “Càng vào rừng sâu càng có nhiều tổ kiến to, có những cây cao có đến hai, ba tổ. Mỗi ngày mình bắt khoảng 3-5 kg kiến, bán được 200-300 nghìn đồng. Để kiến không chạy ra ngoài, thường thì phải đốt lửa hun khói giống như săn ong vậy, kiến từ tổ bỏ ra ngoài thì rung cành cho kiến rơi vào thau. Trong thau rắc bột sắn lên để làm trơn và cay mắt kiến. Khi thọc tổ, cả trứng, kiến và rác đều rơi vào thau như thế rồi mới mang xuống được. Nhưng khó nhất là việc phải căng mắt tìm tổ kiến giữa những ngọn cây cao!”. Bà H’tố kể có khi cả tổ kiến rơi ngay trên người, có người bị kiến cắn phải đi bệnh viện. Chuyện bị kiến cắn hay gặp rắn, rết, bò cạp… là không tránh khỏi. Kiến ở rừng cắn thì đau nhức đến mấy ngày.

Khi gặp ong bò vẽ mà không may làm vỡ tổ thì phải nhanh chân tháo chạy, nếu không sẽ là mồi của chúng. Thế nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại leo lên săn khi phát hiện một tổ kiến trên cây. Khi tìm được những tổ kiến loại to cỡ như mũ cối, người thợ săn kiến thường dùng dao xẻ nhỏ tổ kiến ra ngay tại rừng, rồi nhanh tay đổ những con kiến già và những trứng mọng sữa vào gùi và rắc bột sắn lên để tránh cho kiến chạy trốn. Nghe qua thì thấy đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được, vì mỗi công đoạn là cả một kỹ năng đã được hun đúc qua bao đời nay. Bà Siu H’tố vừa giảng giải, vừa đưa cho tôi mấy cái trứng kiến mọng mỡ màng. Ăn thử thấy vị rất kỳ lạ ở đầu lưỡi.

Các bậc cao niên của buôn Sai, xã Chư Ngọc cho biết, hàng năm vào khoảng cuối tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch, người dân nơi đây lại vào rừng để dò xem khu vực đó có bao nhiêu... tổ kiến mà bắt về. Tùy theo thổ nhưỡng của từng vùng, đặc thù của rừng cây mà loài kiến vàng thường làm tổ trên những ngọn cây ở độ cao thấp khác nhau, ngay cả những cây ăn quả trong vườn, họ nhà kiến cũng kéo về làm tổ sinh sôi. Với đôi mắt quan sát tinh tế, người dân nơi đây nhận biết được khi nào tổ kiến có nhiều trứng, ấy là khi bao quanh ngoài tổ có lớp màng trắng bạc. Không biết tự khi nào nhưng người dân nơi đây từ thuở ấu thơ đến khi già như cổ thụ ở trong rừng đều được thưởng thức những món ăn chế biến từ kiến. Bởi vậy bà con nơi đây không ai phá tổ kiến bao giờ, và từ đời này sang đời khác truyền cho nhau cách nhận biết những loài kiến có ích, cũng như thời điểm “săn” hiệu quả nhất. 

Chị H’trang chìa cánh tay chi chít vết cắn của kiến bảo: “Các anh thấy đó, kiến này là loại to cắn vết nào là chảy máu vết ấy. Khi leo tít lên ngọn cây nếu không có sức chịu đựng thì ngã là cái chắc. Nhiều người phải mang thương tật suốt đời từ cái nghề tưởng chừng đơn giản này đó. Nhu cầu cuộc sống làm con người sáng tạo ra những cái nghề cho phù hợp “lối sống” ở đời mà tồn tại. Săn kiến cũng là một nghề nhưng xem ra đứng trên “mép vực” chơ vơ giữa trời và đất. Ngẫm nghĩ thật nguy hiểm. Nhưng dẫu sao đây vẫn là cách kiếm tiền với những người dân như chúng tôi! Nếu ngày trước, chúng tôi vào rừng chừng một, hai giờ là có thể kiếm được cả chục tổ kiến vàng thì nay do nhiều người lùng sục nên tổ kiến ngày càng hiếm. Leo rừng, vượt núi, tóe cả máu chân nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ kiếm được vài tổ là cùng. Nghề này thấy đơn giản vậy nhưng vất vả lắm!”. Buổi chiều sau một ngày đi săn kiến vất vả trở về, chị H’tố lại mang kiến về phố bán cho các điểm thu mua làm đặc sản, hoặc cho những người nuôi chim, cá cảnh hoặc người mua lẻ trên đường phố. Với giá 150.000 đồng/kg hiện nay, những người đi săn kiến cũng tìm cho mình một nguồn thu nhập ổn định, dẫu nguy hiểm.

Đặc sản tiền triệu

Ẩm thực của người bản địa Tây Nguyên phong phú tới mức, nhiều người đã từng lăn lộn nhiều năm trong các buôn làng vẫn không thể “điểm mặt” hết các món ăn dưới mỗi nóc bếp, có món nhìn chỉ để thỏa trí tò mò, có món nhìn là muốn ăn ngay. Nhưng không nơi nào ẩm thực của người bản địa lại được “thương mại hóa” triệt để, trở thành đặc sản riêng có như ở Krông Pa. Cách nay vừa tròn một thập kỷ, ở Krông Pa lần đầu tiên xuất hiện một cửa hàng bán muối kiến vàng, đó là tiệm Mười Đức (khối phố 1, thị trấn Phú Túc, Krong Pa). Ông Đức, chủ cơ sở này nhớ lại: “Tôi từng có nhiều năm sống với đồng bào địa phương, được ăn muối kiến nhiều lần, thấy món ăn lạ, rất ngon nên sau khi về thị trấn để mở hàng ăn, tôi làm bán thử, chủ yếu bán cho khách quen. Không lâu sau, rất nhiều người truyền tai đặc sản này nên tìm tới ngày càng đông. Tôi bỏ hẳn việc kinh doanh hàng ăn mà chỉ chuyên làm muối kiến vàng ăn với bò một nắng! Mùa kiến ngon nhất là lúc kiến đẻ trứng. Lúc ấy, ngoài vị chua thanh của kiến còn thêm vị ngọt bùi của trứng, đem làm muối sẽ ngon hơn. Kiến được phơi hoặc rang khô, đem giã với muối, bột ngọt, ớt hiểm, sả sẽ cho ra món gia vị đặc biệt để ăn với bò một nắng!”. Những chú kiến vàng nhỏ bé vốn chỉ sống trong rừng nay xuống phố, trở thành một gia vị đặc biệt, quyến rũ trên những bàn tiệc sang trọng. Thường hũ muối kiến được tặng kèm khi khách mua thịt bò một nắng. Nhưng thiếu đi gia vị chấm này thì món bò một nắng sẽ rất vô duyên.

Những năm gần đây, khi đặc sản này “lên ngôi”, nghề “săn” kiến vàng trở thành nguồn thu nhập đáng kể của nhiều phụ nữ ở địa phương này. Với chị H’tố, bà H’trang và nhiều người dân khác thì cái nghề săn kiến này đã nuôi sống gia đình họ: “Từ khi các quán xá, nhà hàng dùng kiến vàng làm muối chấm với đặc sản bò “một nắng hai sương”, nhiều chị em người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm việc làm trong những ngày không lên rẫy. Tưởng là nghề phụ, nhưng lại cho thu nhập chính của gia đình đấy!”. Như gia đình chị H’tố thì nghề này giúp vợ chồng chị nuôi 4 đứa con ăn học. Ngày nào chị cũng có kiến, xuôi đò sang sông bán cho các cơ sở bò một nắng ở thị trấn. “Săn” kiến vàng khá nguy hiểm và cực nhọc nhưng họ vẫn kiên nhẫn theo “nghề”. Hằng ngày, họ vẫn băng rừng, vượt núi đi tìm tổ kiến vàng đem về bán, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng khi nghĩ đến việc kiếm thêm được ít tiền để trang trải cuộc sống thì ai nấy đều cắn răng mà làm việc.

Kiến vàng là vị thuốc của đồng bào

Vì tiền, chấp nhận để kiến cắn chi chít khắp người ảnh 2
Loài kiến có mặt khắp mọi nơi, con vật bé xíu nhưng lại có thành phần dinh dưỡng cao, ngoài ra nó còn có nhiều sinh tố và khoáng chất. Không chỉ là làm gia vị, khả năng chữa bệnh của kiến còn là một bí ẩn. Người bản địa vẫn tin rằng, loài kiến vàng hiền lành này có thể chữa được một số bệnh như viêm khớp, tiểu đường... Thời trước, người Jrai vẫn dùng kiến để bào chế thành những viên thuốc tráng lực như thuốc bổ bây giờ. Hiện tại, kiến vàng được các chủ cơ sở kinh doanh mua của những người bản địa vùng này với giá 100-150 nghìn đồng/kg. Mùa mưa là mùa kiến hiếm, giá có thể cao gấp đôi nhưng không ngon bằng mùa này vì lượng kiến trong mỗi tổ giảm đáng kể.