Vị thế và tầm cao mới của kinh tế Thủ đô: “Rồng Hà Nội” dồi dào sinh lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ đô Hà Nội đang “thay da, đổi thịt” từng ngày và liên tục ghi nhận những tầm cao mới trong phát triển kinh tế, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Phát huy động lực thể chế, cải thiện môi trường đầu tư

Sự phát triển kinh tế Thủ đô nêu trên là kểt quả hội tụ của nhiều nhân tố, đặc biệt nhờ khai thác và phát huy các động lực thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng liên tục 7 năm liền và năm 2018, 2019 lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến ngày 31-8-2020, thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%. Các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ... Công tác quản lý tài sản công, quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước được nâng lên.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn năm 2021 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, tham gia liên kết chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN; phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000 doanh nghiệp); Tạo thêm 150.000 việc làm mới cho người lao động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và trên 30% ngân sách thành phố.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

Vươn cao và tỏa sáng

Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về lũy kế thu hút FDI. Đến nay, Thủ đô Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á - Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời. Hà Nội cũng duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội, các tổ chức tài chính tiền tệ như: WB, IMF, ADB, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…

Trong lịch sử nghìn năm sâu lắng và hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ “Rồng Hà Nội” dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế... Với thế và lực mới, Hà Nội ngày càng tự tin và quyết tâm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thành “Thành phố sáng tạo”.

Yêu cầu hàng đầu trong phát triển kinh tế Thủ đô trong những năm tới là nâng cao chất lượng phát triển, chủ động chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và hàm lượng chế biến cao, có triển vọng thị trường trong nước, quốc tế và phù hợp lợi thế so sánh của Thủ đô; Tập trung trọng tâm vào chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Phát triển các ngành, lĩnh vực tạo nền tảng, có tính liên kết, liên ngành và đáp ứng tính đồng bộ thị trường cao, đồng thời từng bước hình thành và phát triển các bộ phận, lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với từng lĩnh vực và sản phẩm cụ thể.

Chủ động giữ vững và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hà Nội sẽ chủ động xây dựng và thực hiện những cơ chế, chính sách mới, có tính đặc thù cao, tạo đột phá trong đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, khuyến khích hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững.

Về lâu dài, chính khả năng khai thác, kế thừa, lôi cuốn, quy tụ và lan tỏa được nhiều tiềm lực, điều kiện từ bên ngoài, cũng như năng lực tự tích lũy được về kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh đạo, kinh doanh, trình độ phát triển về hạ tầng kỹ thuật, về các nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực, tri thức - công nghệ và các dạng thị trường... sẽ tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong tương lai.

Với những thành quả của quá khứ, với “sức Rồng nghìn năm”, cộng với sự đồng tâm, đồng sức và sự hòa đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, với các địa phương và với bạn bè khắp năm châu, chắc chắn Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua những thách thức, phát huy những lợi thế, xây dựng Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Bác Hồ và xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của cả nước.

Những con số ấn tượng

* 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD): Quy mô GRDP ước đạt năm 2020;

* 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước: GRDP bình quân đầu người;

* 16%: Mức đóng góp GDP cả nước;

* 18,5%: Thu ngân sách cả nước;

* 8,6%: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước;

* 46%: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trong tăng trưởng GRDP so với mức bình quân cả nước;

* 258,3 triệu đồng/lao động: Năng suất lao động ước đạt, gấp 1,65 lần cả nước;

* 280 triệu đồng/ha: Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt được, tăng 1,21 lần so với năm 2015;

* 91%: Sản lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo;

* 17: Số lượng khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

* 11.000: Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hàng năm 10 tỷ USD;

* 138: Chuỗi liên kết an toàn thực phẩm;

* 164: Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

* 30%: Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao;

* 10.000 website/ứng dụng: Thương mại điện tử được chấp thuận

hoạt động;

* 19,3: Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân;