Vì sao việc thu tác quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" bị phản ứng?

ANTD.VN - Việc một đơn vị trong nước bất ngờ tuyên bố đang nắm giữ bản quyền ca khúc nhạc Hoa “Độ ta không độ nàng” và yêu cầu thu phí bản quyền tác phẩm này vấp phải sự phản ứng từ cả các nghệ sĩ Việt “cover” bài hát lẫn dư luận.

Theo đó mới đây một đơn vị có tên Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đã phát đi thông báo gửi “các network và chủ sở hữu các kênh Youtube” cho phía mình quản lý bản quyền hợp pháp tác phẩm “Độ ta không độ nàng” – sáng tác của một nhạc sĩ Trung Quốc. Bản quyền mà đơn vị này nhắc tới bao gồm bản quyền tác giả của tác phẩm và bản quyền đối với bản ghi âm gốc của một ca sĩ người Hoa.

Đại diện Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam khẳng định, hiện tác phẩm “Độ ta không độ nàng” thuộc quyền quản lý hợp pháp của công ty. Do vậy mọi hoạt động liên quan tới việc xin cấp phép, thu phí bản quyền của tác phẩm hoàn toàn do đơn vị mình quản lý.

Trên cơ sở đó, Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đề nghị các đơn vị nhanh chóng rà soát, kiểm tra tình trạng khai thác, kinh doanh bản quyền tác phẩm “Độ ta không độ nàng” và chủ động liên hệ lại với phía công ty cung cấp đầy đủ thông tin nêu trên. Đặc biệt, thông báo cũng đề nghị “các Network và chủ sở hữu các kênh Youtube” thực hiện đối soát và thanh toán đầy đủ các khoản chi phí bản quyền liên quan tới việc sử dụng ca khúc này, bao gồm: phí cố định 5 triệu đồng/lần sao chép, sử dụng tác phẩm và 33% doanh thu từ sản phẩm được đăng tải.

 Thông báo về chuyện thu tác quyền đối với các bản cover ca khúc "Độ ta không độ nàng"

Cũng trong thông báo, Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam cho biết, hiện đơn vị này đã thu thập và lưu trữ đầy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan đến vi phạm bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng”. Trong trường hợp không nhận được sự hợp tác từ các bên liên quan, đơn vị này sẽ xem xét áp dụng các biện pháp xử lý bản quyền theo pháp luật.

Ngay khi thông báo này được phát đi, nhiều clip, MV “cover” lại bản gốc nhạc Hoa ca khúc “Độ ta không độ nàng” đã biến mất khỏi kênh mạng xã hội Youtube, trong đó có nhiều bản “cover” thu hút hàng chục triệu lượt xem và yêu thích như bản “cover” của Trấn Thành, Anh Duy, Hương Ly…Đặc biệt bản thu âm nhạc Hoa – lời Việt do ca sĩ Phương Thanh thể hiện cũng “bốc hơi”. Bản thu âm này của Phương Thanh khác hẳn với các bản “cover” khác bởi được sư thầy Thích Đồng Hoàng dịch lại lời và chắp bút dựa theo quan điểm và góc nhìn Phật giáo, lấy tên gọi mới là “Tự thân nàng hãy độ nàng”. Đặc biệt, Phương Thanh với pháp danh Nguyên Hương thể hiện bài  hát này không chỉ với tư cách một ca sĩ, mà còn là một Phật tử.

Vì sao việc thu tác quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" bị phản ứng? ảnh 2

Phương Thanh bày tỏ sự không đồng tình với kiểu làm việc của đơn vị tuyên bố quyền sổ hữu ca khúc "Độ ta không độ nàng"

Phản ứng trước đề nghị thu tác quyền từ việc “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng”, trên trang mạng xã hội cá nhân, Phương Thanh bức xúc cho rằng phía công ty trên đã có động thái mua một bài hát khi nó đang “hot” để ăn chia lợi nhuận từ các bản “cover” đạt tới con số “triệu view”. Nữ ca sĩ cũng bày tỏ quan điểm, nếu như đây là một bài hát chưa ai biết đến và đơn vị này mua độc quyền về, sau đó làm cho nó trở nên “hot” thì cô mới nể. Tuy nhiên đây là hành động sau khi thấy ca khúc “hot” nhờ rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ trẻ thể hiện rồi mới mua độc quyền để kinh doanh. Phương Thanh khẳng định, cô chấp nhận việc bản thu bài hát này đăng tải trên kênh Youtube bị gỡ xuống, cũng không quan tâm đến con số “triệu view” mà bản thu này đạt được vì ngay từ đầu, cô xác định không thực hiện bản thu này nhằm mục đích kiếm lời hay kinh doanh.

Không chỉ Phương Thanh mà nhiều nghệ sĩ khác “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” cũng chấp nhận để bản thu của mình bị gỡ bỏ khỏi kênh Youtube chứ dứt khoát không hợp tác với phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam – đơn vị nhận là quản lý bản quyền hợp pháp tác phẩm này. Trong đó phải kể đến người đầu tiên “cover” ca khúc trên – Anh Duy. Cụ thể, chàng trai gốc Tiền Giang chính là người góp phần đưa “Độ ta không độ nàng” vào thị trường nhạc Việt và trở nên nổi tiếng rần rần nhờ bản “cover” này. Bản thu của anh trước khi bị xóa khỏi Youtube đạt con số hơn 14 triệu lượt xem.

Anh Duy - người đầu tiên "cover" ca khúc "Độ ta không độ nàng" chấp nhận bị gỡ bản "cover" trên kênh Youtube

Nói về việc không hợp tác đóng tiền tác quyền mà chấp nhận để bản “cover” của mình bị gỡ, Anh Duy chia sẻ, anh từng tìm hiểu và tìm cách liên hệ với tác giả Trung Quốc để làm thủ tục mua tác quyền, song chưa kịp làm thì đã xảy ra sự việc trên. Trước đề nghị phải đóng tiền tác quyền và chia sẻ doanh thu từ bản “cover” của mình, Anh Duy không đồng ý, đồng thời cho biết, anh sẽ không đầu tư vào ca khúc này nữa. Bù lại, nhờ hiệu ứng từ bản “cover” mà mình tạo ra, Anh Duy nhận được nhiều lời mời hợp tác và có cơ hội bước chân vào V-biz.

Trên thực tế, con số 5 triệu đồng mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đưa ra để đổi lấy việc được “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” nghe qua có vẻ không đáng là bao. Song đấy lại không phải điều kiện duy nhất bởi kèm theo đó là việc chia sẻ 33% doanh thu mà các bản “cover” đem lại cho nghệ sĩ từ việc đăng tải trên kênh mạng xã hội. Tất nhiên đây mới là con số “khủng” bởi nó tỷ lệ thuận với số lượt người xem ngày một tăng, đồng nghĩa với số tiền mà Youtube sẽ phải chi trả cho người thực hiện các bản “cover” đạt cả triệu, thậm chí hàng chục triệu “view” ngày một lớn.

Tuy nhiên tiền có lẽ không phải vấn đề mấu chốt dẫn đến việc nhiều nghệ sĩ, những người thực hiện bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” phản ứng với đề nghị thu tác quyền từ Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam. Mà có lẽ chính sự thiếu rõ ràng trong thông báo từ phía đơn vị này mới khiến dư luận lẫn nghệ sĩ lao xao. Nói vậy là bởi, trong thông báo phát đi, phía công ty không hề nêu rõ thời điểm tác giả người Trung Quốc ký hợp đồng cho đơn vị này quản lý bản quyền tác phẩm của mình là khi nào. Và dựa vào đâu để đưa ra mức phí thu 5 triệu đồng cộng với 33% doanh thu mà các bản “cover” này mang lại sau khi được đăng tải. Vả lại, nếu người thực hiện và đăng tải các bản “cover” không nhằm mục đích kinh doanh thì việc thu phí với barem như trên liệu đã khả thi và hợp lý hay chưa, chưa kể làm thế nào để xác định rõ ràng việc này không phải chuyện dễ dàng.

“Cần phải xem lại thời điểm ký bản quyền. Bây giờ anh mới ký hợp đồng mà đòi huỷ bỏ tất cả những gì diễn ra trước đó, trước thời điểm ký hợp đồng thì quả là vô lý.” – một người sử dụng mạng xã hội có nick-name “Tran Khanh Hung” chia sẻ.

Chuyện thu bản quyền một tác phẩm âm nhạc, dù là tác phẩm “made in Việt Nam” hay ca khúc nước ngoài, vốn dĩ không phải điều gì quá mới mẻ đối với thị trường âm nhạc hiện nay. Song với việc âm thầm ký kết hợp đồng mua bản quyền với tác giả, rồi bỗng một ngày bất ngờ tuyên bố đã có quyền sở hữu với tác phẩm này và đề nghị thu tiền khiến những người trong cuộc không khỏi giật mình ngã ngửa, thậm chí là phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu.