Vì sao VEC chậm triển khai thu phí không dừng trên một loạt cao tốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu VEC phải lên các phương án, bố trí nhân lực làm ngày đêm, lắp đặt ETC tại các trạm thu phí do VEC quản lý trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng nay, 17/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành không hài lòng về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

"VEC đã chậm trễ, không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai lắp đặt các làn thu phí không dừng, thống nhất tiến độ 30/6/2022, tất cả các trạm thu phí phải thực hiện ETC", Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với VEC cùng các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu VEC phải lên các phương án, bố trí nhân lực làm ngày đêm, lắp đặt ETC tại các trạm thu phí do VEC quản lý trong thời gian sớm nhất.

Một loạt tuyến cao tốc do VEC quản lý hiện vẫn áp dụng thu phí thủ công

Một loạt tuyến cao tốc do VEC quản lý hiện vẫn áp dụng thu phí thủ công

"Nếu VEC không có chuyển động tích cực, sẽ kiểm điểm, quy trách nhiệm, điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao có sự chậm trễ, liệu có động cơ, tiêu cực gì không?", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Chậm vì muốn có bên chịu trách nhiệm cùng?

Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC cho biết: Việc triển khai các dự án về công nghệ thông tin (bao gồm cả việc thu dịch vụ công nghệ thông tin) được hướng dẫn tại Nghị định số 73/2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Theo đó, trường hợp coi hệ thống thu phí ETC là một dự án mới, VEC phải triển khai các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng và thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này sẽ mất nhiều thời gian do phải thực hiện rất nhiều thủ tục nên không thể hoàn thành trong năm 2022 (phương án 1).

Trường hợp coi việc triển khai thu phí ETC chỉ là hình thức thu phí mới thay thế hình thức thu phí một dừng, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước (phương án 2).

Triển khai theo phương án 2, thẩm quyền do VEC quyết định và đẩy nhanh tiến độ do chỉ cần phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ để tổ chức lựa chọn ngay nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên ông Quang cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn có ý kiến cho rằng việc sử dụng chi phí quản lý thu phí tại các tuyến cao tốc để thuê dịch vụ, áp dụng như chi thường xuyên theo quy định Điều 53, Nghị định số 73 (phương án 2) là chưa hoàn toàn phù hợp.

Hiện nay, trong khi chờ xin ý kiến các Bộ, ngành, VEC đã chủ động theo phương án 2 và trong tháng 6/2022 sẽ lựa chọn được nhà cung cấp, sau đó 45 ngày sẽ hoàn thành tuyến đầu tiên là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và 50 ngày tiếp theo hoàn thành tuyến cao tốc Hồ Chính Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Ông Quang lý giải, việc triển khai chậm là do chờ hướng dẫn thực hiện phương án 2 từ Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện thuộc trách nhiệm của VEC, VEC hoàn toàn có thể tự quyết, đến nay không có vướng mắc gì từ Bộ Tài chính.

“Thực tế, VEC chỉ muốn có văn bản cụ thể từ các Bộ, ngành liên quan để nhận được chia sẻ về trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra”, đại diện Bộ Tài chính thẳng thắn nêu.

VEC được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong 5 dự án nêu trên, mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.