Vì sao Trung Quốc truy tố vợ Bạc Hy Lai vào thời điểm này?

ANTĐ - Quyết định truy tố vợ chính trị gia “ngã ngựa” Bạc Hy Lai vì tội giết người, theo giới phân tích là thể hiện quyết tâm của lãnh đạo đảng Trung Quốc, muốn kết thúc vụ bê bối phủ bóng xuống cơ quan này trước cuộc chuyển giao quyền lực vào cuối năm.

Vụ xử mang màu sắc chính trị nhạy cảm nhất Trung Quốc ba thập niên qua tại Tòa án thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy sáng 9-8 đã tạm khép lại nhưng chưa có bản án được tuyên sau khi bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và Trương Hiểu Quân, quản gia của Bạc gia, không phản đối tội danh đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood, người được phát hiện chết trong phòng khách sạn ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái. 

Động cơ của vụ giết doanh nhân người Anh 41 tuổi nói trên được tiết lộ trong phiên tòa được cho là liên quan tới “mâu thuẫn kinh tế”. Luật sư của bà Cốc biện hộ rằng ông Heywood cũng có trách nhiệm trong cái chết của mình khi có liên quan vào một vụ “bê bối kinh tế” - tống tiền 13 triệu Bảng với cậu con trai Bạc Qua Qua của bà Cốc. Luật sư cũng nói rằng bà Cốc đã không thể kiểm soát được tất cả hành vi của mình khi gây ra tội ác.

Ngay trước khi phiên xử diễn ra, nhiều nhà phân tích cho rằng bà Cốc Khai Lai là “vật tế thần” trong cuộc đấu đá chống lại chồng bà, ngôi sao chính trị một thời Bạc Hy Lai. Giới quan sát dự đoán mức án từ 10 năm đến tử hình dành cho bà Cốc và đồng phạm Trương Hiểu Quân. Theo nhận định của các nhà phân tích, bà Cốc và ông Trương vẫn chưa nhận phán quyết nhưng có vẻ như họ sẽ thoát án tử. Họ cho rằng bà Cốc đang cố gắng tìm một án tù nhẹ hơn bằng việc cung cấp các bằng chứng chống lại những người khác. 

Theo giới quan sát, việc bà Cốc Khai Lai không được mời luật sư riêng có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã quyết định tránh phơi bày các giao dịch tài chính bất hợp pháp, tài sản cá nhân và cuộc sống xa hoa của gia đình một cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hơn nữa, việc chính quyền Trung Quốc nói bà Cốc đồng ý chấp nhận luật sư bào chữa do tòa chỉ định dường như là dấu hiệu cho thấy đã có sự thỏa thuận ngầm. 

“Phiên tòa này, dù kết quả và tranh luận có thế nào chăng nữa, cũng sẽ chỉ là màn kịch sân khấu” - Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Princeton (Mỹ) Perry Link nhận định. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối đã “quật ngã” một trong những nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc và theo giới phân tích nó cũng phơi bày chia rẽ sâu sắc ở trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trước thềm cuộc chuyển giao lãnh đạo một thập niên mới diễn ra một lần vào cuối năm nay.

Số phận ông Bạc Hy Lai đã được định đoạt?

Bạc Hy Lai (63 tuổi) là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là con trai của một nhà cách mạng đáng kính, từng đã gây được tiếng vang khắp nước trong cuộc truy quét gắt gao các phần tử tội phạm ở Trùng Khánh và chiến dịch “hồng vệ binh”, được truyền lửa bằng bài hát quần chúng dưới thời Mao Trạch Đông. Ông cũng được cho là có tham vọng gia nhập vào Bộ Chính trị, là một trong số những ứng cử viên sáng giá cho vị trí cao hơn trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - “một nhà lãnh đạo có tương lai”. 

Thế nhưng vụ bê bối liên quan tới các cáo buộc tham nhũng, giết người, làm ăn phi pháp... hồi cuối tháng 2-2012 đã khiến chính trị gia họ Bạc tuột mất giấc mộng “đế vương”. Đây không chỉ là thời gian “sóng gió” của Bạc gia mà còn là một cú sốc lớn đối với giới chính trị Trung Quốc khi mà thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng vào mùa thu năm nay, sau Đại hội Đảng lần thứ 18. Giới phân tích cho rằng việc truy tố bà Cốc Khai Lai cho thấy ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mong muốn giải quyết dứt điểm vụ Bạc Hy Lai trước khi một ban lãnh đạo mới được bầu ra. Và đây cũng là chỉ dấu cho thấy đã họ đã đạt được nhất trí về số phận của ông Bạc. 

Willy Lam, một chuyên gia về Trung Quốc từ Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết chính quyền Bắc Kinh đã không theo đuổi những cáo buộc về “tham nhũng hoặc rửa tiền” chống lại bà Cốc và ông Bạc. Steve Tsang, người đứng đầu Viện Chính sách Trung Quốc tại Trường Đại học Nottingham (Anh) nhận định dù nếu không phải đối mặt với một cáo buộc hình sự nào, ông Bạc cũng khó có thể tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Trong khi luật sư Phố Chính Cường ở Bắc Kinh cho rằng: “Nếu bà Cốc không bị tội kinh tế, ông Bạc sẽ không gặp rắc rối lớn”. “Sẽ không có thêm ngạc nhiên nào nữa. Họ đang cố gắng chuyển hướng tập trung sang bà Cốc Khai Lai, vì vậy rất có khả năng ông Bạc Hy Lai sẽ không bị xử mạnh tay”, ông Willy Lam cho hay. Rất nhiều học giả cho rằng vụ truy tố cho thấy ông Bạc, người đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra vì “vi phạm quy định của Đảng” - cụm từ thường được quy là tham nhũng, sẽ được tha bổng trước các cáo buộc hình sự.

 Các học giả cũng cho rằng đây rất có thể là kết quả của một thỏa thuận giữa các phe phái bên trong đảng trước đại hội, thời điểm những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ chuyển giao các vị trí trong đảng của họ cho một thế hệ lãnh đạo mới. 

Người kế nhiệm bí ẩn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là ai?

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang “lên kế hoạch” đưa một trong số những quan chức thân cận vào ban lãnh đạo Đảng Cộng sản nhằm duy trì quyền lực sau khi về hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 18, hãng tin Reuters dẫn lời 2 nguồn tin độc lập hôm 8-8. Theo đó, ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), người đứng đầu Đảng ủy khu vực Nội Mông ở miền Bắc Trung Quốc - một ngôi sao chính trị mới nổi, một nhà cải cách và là “chỗ thân tín” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo thế hệ mới.

“Ông Hồ Cẩm Đào đánh giá rất cao Hồ Xuân Hoa và quyết định sẽ cất nhắc chính trị gia này cho chức vụ cao hơn trong Đảng”, một nguồn tin thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói với Reuters. Trước đó, dư luận từng xôn xao việc ông Hồ Cẩm Đào sẽ trao quyền lãnh đạo hàng đầu cho Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và cất nhắc một số người thân tín khác cho những chức vụ chủ chốt còn lại.

Giới chuyên môn ở Trung Quốc dự đoán, năm nay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể sẽ đề nghị nâng số lượng Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị lên 11 người, thay vì 9 người như trước đây. Tuy nhiên, những trang mạng Trung Quốc lại đang xôn xao đồn đoán, sang năm sau, sẽ chỉ có 7 Ủy viên trong đơn vị quyền lực nhất nước này. Theo cơ chế chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc, danh sách các nhà lãnh đạo mới sẽ được công khai chính thức trước Quốc hội sớm nhất vào tháng 10 năm nay. Sau đó, những người được tuyên bố sẽ chính thức đảm nhiệm các chức vụ tương ứng vào tháng 3 năm sau.

Nếu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào giành “chiến thắng” trên bàn cờ chính trị như đã nói, ông Hồ Xuân Hoa sẽ là người trẻ nhất trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ở tuổi 49. Trong trường hợp còn lại, chính trị gia Hồ Xuân Hoa vẫn là ứng viên tiềm năng trong “cuộc đua” giành chức Bí thư  Thượng Hải kiêm Ủy viên Bộ Chính Trị - một bước đệm đáng mơ ước. Chuyên gia Kou Chien-wen thuộc Đại học Quốc gia Trung Quốc  cũng cho rằng bằng việc thử thách mình với nhiều chức vụ ở những khu vực được cho là khó khăn, chính trị gia Hồ Xuân Hoa đã dần khẳng định được khả năng lãnh đạo của mình khi giải quyết thành công nhiều vấn đề nhạy cảm và đặc biệt là có quan hệ rất thân thiết với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.