Vì sao Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa?

ANTĐ - Ngày 12-12, Triều Tiên thông báo nước này đã phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo.

Sơ đồ vụ phóng thành công tên lửa của Triều Tiên

Các vụ phóng vệ tinh thường diễn ra vào mùa xuân và mùa hè do điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng Triều Tiên lại phóng vệ tinh vào mùa đông. 

Theo hãng tin CNN, động thái trên có thể nhằm 3 mục tiêu: mặc cả với quốc tế, củng cố uy tín chính trị trong nước và các tính toán chiến lược, trong bối cảnh nhiều nước trải qua các cuộc chuyển giao quyền lực trong năm 2012. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, trong khi ông Tập Cận Bình vừa được bầu vào cương vị Tổng Bí thư của Trung Quốc. Nhật Bản tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16-12 còn Hàn Quốc bỏ phiếu bầu Tổng thống 3 ngày sau đó. 

Các cuộc thương lượng về bán đảo Triều Tiên phải tạm ngưng, để lại khoảng trống ngoại giao cho đến khi các chính phủ mới được thành lập. Động thái phóng tên lửa của Triều Tiên có thể nhằm gửi đi thông điệp về tiềm lực và năng lực tên lửa của nước này, để Triều Tiên có thể mặc cả tốt hơn trong các cuộc đàm phán khi nỗ lực ngoại giao được nối lại. 

Vụ phóng tên lửa cũng tác động đến cuộc bầu cử tại Hàn Quốc, bởi vì dù ứng viên Tổng thống nào thắng cử, nhiều khả năng cũng không thực hiện chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng. 

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, vụ phóng trên đã khiến giới chức Hàn Quốc hoàn toàn bất ngờ bởi vì trước đó 1 ngày truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức nước này cho biết, kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy CHDCND Triều Tiên dường như đang tháo dỡ tên lửa tầm xa mà nước này thông báo dùng để phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 để sửa chữa những lỗi kỹ thuật.

 

Chính phủ Hàn Quốc ước tính, Triều Tiên đã chi 1,3 tỷ USD cho chương trình tên lửa của nước này trong năm 2012. Đây là lần thứ hai trong năm nay nước này phóng tên lửa sau lần phóng thất bại hồi tháng 4 vừa qua. Mặc dù Triều Tiên luôn khẳng định vụ phóng vệ tinh nhằm mục đích hòa bình và tuân thủ các quy tắc quốc tế, nhưng Mỹ và một số nước khác cho rằng, đây chỉ là vỏ bọc cho các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa và vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Gần 3 giờ “nín thở”

Vì sao Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa? ảnh 2

9h51 sáng 12-12 (giờ địa phương): Tên lửa  Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ hai của CHDCND Triều Tiên rời bệ phóng.
10h01: Tên lửa đã bay qua quần đảo Okinawa của Nhật khoảng 12 phút sau khi được phóng đi. Tên lửa của Triều Tiên được ghi nhận vượt qua khu vực giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, với tầng thứ nhất và thứ hai rơi xuống khu vực phía tây và tây nam bán đảo Triều Tiên.

10h19: Tầng thứ ba rơi xuống địa điểm cách bờ biển Philippines 300 km về phía đông.

12h00: Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa đã thành công, vệ tinh đã đi vào quỹ đạo.

Phản ứng “sự đã rồi”

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa thành công, nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia để bàn các biện pháp đáp trả. Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho biết, nước này “cực lực lên án” vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Triều Tiên sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura mô tả vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên là “đáng tiếc” và “không thể chấp nhận được”.  Từ Washington (Mỹ), Nhà Trắng cho biết, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động “mang tính khiêu khích cao”, đe dọa an ninh khu vực và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. 

Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh ở Đông Bắc Á.

Trong khi đó, phản ứng về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực.