Vì sao nông sản sạch vẫn khó vào siêu thị?

ANTD.VN - Có một nghịch lý là Hà Nội có sức tiêu thụ rất lớn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch, trong khi các tỉnh, thành phố lân cận nguồn cung rất dồi dào, nhưng việc “bắt tay” nhau lại gặp không ít khó khăn. 

Vì sao nông sản sạch vẫn khó vào siêu thị? ảnh 1Mặt hàng nông sản muốn vào các siêu thị cần đảm bảo những tiêu chí khắt khe

Hàng chợ vẫn là chủ yếu

Dân số Hà Nội hiện khoảng 10 triệu người, hàng năm, Hà Nội đón khoảng trên 20 triệu lượt khách. Trung bình mỗi năm nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô cần khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 900 triệu quả trứng, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau các loại, trên 400 nghìn tấn quả tươi... Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ hầu hết chưa đáp ứng, nên phần lớn phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu nước ngoài.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nguồn cung của thị trường Hà Nội, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu, đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dù nguồn cung từ các địa phương khá dồi dào nhưng việc triển khai tiêu thụ tại các siêu thị lại gặp không ít khó khăn. 

Con đường nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội vẫn đa phần qua các thương lái tự thu gom rồi vận chuyển tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó được chia lẻ đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Lượng hàng nông sản, thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. 

Nguyên nhân chính, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội là do đa phần các sản phẩm chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí không theo tiêu chuẩn nào. Về cảm quan có thể được coi là hàng ngon, hàng đẹp, nhưng do không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa những nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị… Điều đó làm cho hàng sạch, hàng ngon chưa vào hết được siêu thị để phục vụ người tiêu dùng.

Siêu thị cũng kêu khó

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, tại các tỉnh còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất, do đó, các doanh nghiệp của Hà Nội còn gặp khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. 

Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, một trong những khó khăn của các siêu thị khi hợp tác tiêu thụ nông sản với các địa phương là do quy trình sản xuất tại các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ. Các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển... 

“Không chỉ tại các tỉnh, thành phố, mà ngay cả các huyện ngoại thành Hà Nội cũng rất khó khăn, gần như hầu hết các hộ, hợp tác xã chưa có đầy đủ các giấy chứng nhận cho sản phẩm. Đơn cử như gà đồi Ba Vì, là sản phẩm đã được chứng nhận thương hiệu, có các giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm, chúng tôi cũng đã kiểm nghiệm, chất lượng rất tốt và rất muốn bán sản phẩm đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đến khu vực giết mổ thì lại chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y - một trong những điều kiện đầu tiên để sản phẩm được vào được siêu thị” - bà Vũ Thị Hậu nói. 

Theo các chuyên gia, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi... Ngoài ra, công tác kết nối cung - cầu cũng cần chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, ngoài vấn đề trên, cần nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất có thể dễ dàng tìm kiếm, kết nối thương mại.