Vì sao nhiều lái xe bị mất phí khi nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều chủ xe phản ánh về việc khi nạp tiền vào tài khoản giao thông để giao dịch thu phí điện tử không dừng đã bị mất phí, trong khi cả hai nhà cung cấp dịch vụ ETC khẳng định không thu loại phí này.

Có kênh nạp miễn phí nhưng ít và phức tạp

Anh Nguyễn Đình Việt phản ánh, khi nạp 400.000 đồng vào tài khoản ePass từ ví điện tử Momo, anh phải mất thêm 5.390 đồng. Với một lái xe nếu di chuyển nhiều trên các tuyến đường có thu phí thì khoản tiền phí khi nạp vào tài khoản giao thông không hề nhỏ.

Anh Việt cho rằng, so với chi phí xăng dầu, chi phí cầu đường không lớn, nhưng trong bối cảnh các ngân hàng đều đang miễn phí tất cả các giao dịch nội mạng cũng như ngoại mạng thì việc nạp tiền vào tài khoản giao thông lại mất phí gây ức chế cho người sử dụng.

Tương tự anh Việt, nhiều chủ xe đang cho rằng các bên cung cấp dịch vụ nên miễn khoản phí này để hỗ trợ, khuyến khích người trong bối cảnh các cao tốc chỉ thu phí không dừng từ ngày 1/8.

Hiện tại, hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty CP Giao thông số Việt Nam VDTC - ePass có một vài phương thức để nạp tiền vào tài khoản không mất phí, nhưng chưa thuận tiện và chưa hướng đến phần lớn khách hàng. Việc miễn phí giao dịch chỉ áp dụng với kênh thanh toán bằng ví hoặc ngân hàng là đối tác của riêng VETC hoặc ePass.

Người dân nên chọn kênh nạp tiền vào tài khoản giao thông miễn phí

Người dân nên chọn kênh nạp tiền vào tài khoản giao thông miễn phí

Ví dụ, khách hàng của ePass muốn miễn phí nạp tiền thì phải liên kết với tài khoản Viettel Money đang sử dụng hoặc chuyển khoản tới số tài khoản của đơn vị này tại BIDV theo đúng cú pháp bắt buộc.

Tương tự, người dùng VETC muốn được miễn phí cũng cần có tài khoản ngân hàng BIDV đã được đăng ký liên thông với tài khoản ETC của công ty này.

Trên ứng dụng của VETC, người dùng nạp tiền vào tài khoản bắt buộc phải thông qua trung gian thanh toán của VnPay hoặc VNPT. Nếu nạp 1 triệu đồng bằng hình thức Mobile Banking hoặc thẻ ATM nội địa qua cổng thanh toán VnPay, người dùng mất 10.230 đồng tiền phí, tương đương hơn 1% giá trị giao dịch. Còn nạp bằng thẻ tín dụng Visa hoặc Mastercard, người dùng mất phí 17.700 đồng, tương đương 1,77% giá trị giao dịch.

Đến ngày 2/8, đã có 3.522.036 phương tiện trên toàn quốc dán thẻ thu phí không dừng (đạt tỷ lệ 75,98%), tăng 1.197.743 phương tiện so với thời điểm cuối năm 2021.

Với ứng dụng ePass, đơn vị này áp dụng biểu phí 880 đồng + 0,66% giá trị giao dịch khi thanh toán với thẻ ATM nội địa. Mức phí nạp qua thẻ thanh toán quốc tế là 2.000 đồng + 2% giá trị giao dịch. Mức phí áp dụng nạp tiền qua ví điện tử Momo là 1.650 đồng + 0,94% giá trị giao dịch, còn qua Mobile Banking (VNPay) là 1.300đ + 0,8% giá trị giao dịch.

Như vậy, khi nạp 1 triệu đồng vào tài khoản ePass, chủ xe sẽ mất phí 7.480 đồng khi dùng thẻ ATM nội địa, 22.000 đồng khi dùng thẻ thanh toán quốc tế, 11.050 đồng khi dùng Momo hoặc 9.300 đồng khi sử dụng Mobile Banking qua cổng VNPay.

Hai nhà cung cấp dịch vụ không hề thu phí

Liên quan đến việc này, tại cuộc họp về thu phí không dừng ETC vào chiều 4/8, đại diện hai nhà cung cấp dịch vụ là VETC và VDTC cho biết, hai đơn vị này không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, phí này là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán quy định.

Hiện nay, có khoảng 10 kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, cả VETC và VDTC đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông.

“Chúng tôi đã thông báo và khuyến nghị cho người dân nên sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet banking để nạp tiền. Số tiền trong tài khoản giao thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của khách hàng, khi xe đi qua trạm BOT số tiền bị trừ, và số dư còn lại khách hàng có thể rút ra tùy theo nhu cầu của khách hàng”- đại diện 2 nhà cung cấp dịch vụ ETC cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hình thức trả sau sẽ giải quyết được hết tất cả tình huống trên, nhưng việc này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xây dựng hành lanh pháp lý để áp dụng trong giai đoạn 2 của lộ trình thu phí không dừng.

Hơn nữa, việc này cũng cần có quy định pháp lý thống nhất, đặc biệt là phải phân tích rất nhiều tình huống xử lý như xe không chính chủ, phương thức thu hồi nợ, phát sinh nợ xấu và vấn đề đánh giá tín chấp của người sử dụng…