Vì sao Nhật mua F-35A với giá cắt cổ?

ANTĐ - Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly ngày 09-10 cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật đã quyết định mua sắm máy bay chiến đấu F-35 với mức giá cắt cổ.

Jane’s cho biết, mức giá mà Bộ Quốc phòng Nhật mới đưa ra cao hơn rất nhiều, so với mức giá ấn định được xây dựng trong ngân sách quốc phòng 2 năm 2012 và 2013. Trước đây, họ áp giá là 10,2 tỷ yên (tương đương 127 triệu USD) cho mỗi chiếc, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên 14 tỷ Yên, tương đương 142 triệu USD/chiếc.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, do một số nguyên nhân trong đó bao gồm cả vấn đề tiến độ sản xuất, năm 2013 họ quyết định mua 2 chiếc máy bay chiến đấu F-35 với giá 14,9 tỷ yên (150 triệu USD), so với mức giá mua mỗi chiếc thuộc gói mua sắm 4 chiếc của năm 2012 đã tăng lên khoảng hơn 4 tỷ yên.

Được biết, năm 2012 Nhật Bản đã đặt mua 4 chiếc F-35A với giá 10,2 tỷ yên, tương đương 127 triệu USD cho mỗi chiếc.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng công bố danh tính các nhà sản xuất nhận được đơn đặt hàng sản xuất F-35 quốc nội. Có 3 công ty hàng đầu của Nhật tham gia vào quá trình sản xuất F-35 bao gồm: Mitsubishi Heavy Industries nhận được hợp đồng cuối trị giá 63,9 tỷ yên, Ishikawajima- Harima Heavy Industries (IHI) giành được 18,2 tỷ yên, còn một công ty con khác của Mitsubishi là Mitsubishi Electric 5,6 tỷ yên. 

Mitsubishi Heavy Industries sẽ tham gia vào quá trình lắp ráp và kiểm tra chất lượng kỹ thuật cuối cùng, Ishikawajima- Harima Heavy Industries (IHI) sẽ đảm nhận chế tạo động cơ, còn Mitsubishi Electric sẽ phụ trách mảng radar trên F-35.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A của Mỹ


Như vậy, việc tăng giá mua F-35 của Nhật Bản trái ngược với những nhận định trước đó là các công ty nội địa tham gia sản xuất làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng đi ngược lại xu hướng hạ giá của F-35. Nếu như loạt nhỏ F-35A thứ 6 của Mỹ có giá 103 triệu USD/chiếc (không tính động cơ) thì đến loạt thứ 7, giá đã giảm còn 98 triệu USD.

Điều này cũng đã xảy ra đối với dự án “nội địa hóa” tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Nhật. Nếu nhập khẩu nguyên chiếc, Tokyo chỉ phải bỏ ra 60 triệu USD cho mỗi chiếc. Nhưng khi họ biến F-16 thành F-2 với sự tham gia của Mitsubishi, thì giá thành đã tăng lên gần gấp đôi là 110 triệu USD mỗi chiếc.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng, việc các công ty trong nước tham gia chế tạo máy bay F-35 sẽ giúp họ củng cố, khuyến khích phát triển và nâng cấp nền tảng công nghệ chế tạo trang bị, vũ khí và các công nghệ liên quan, đồng thời góp phần vào việc triển khai hiệu quả “Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cũng nêu thêm nguyên nhân làm mức giá Nhật đưa ra luôn cao hơn nguyên bản, là họ chế tạo thêm một số trang, thiết bị tiên tiến theo định hướng riêng của mình nên đã làm đội giá thêm.