Vì sao nhà đầu tư “quay lưng” với cổ phiếu ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản, penny “gồng gánh” thị trường giúp các chỉ số duy trì trạng thái tích cực trong thời gian qua thì cổ phiếu ngân hàng lại đang là “thủ phạm” chính kéo giảm đà tăng này.

Ba áp lực của cổ phiếu ngân hàng

Trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh hôm 16/12 hôm qua, thị trường chứng khoán không có biến động mạnh về chỉ số, với VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 1,11 điểm (+0.08%) lên 1.476,61 điểm.

Dù vậy, sự phân hóa trên thị trường diễn ra khá mạnh và dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm bất động sản, xây dựng, nhóm cổ phiếu penny với hàng loạt mã bứt phá mạnh, chốt phiên trong sắc tím.

Trong khi đó, nhóm bank (ngân hàng), chứng, thép lại là nhóm kéo lùi thị trường khiến VN-Index không thể bứt phá vượt ngưỡng 1.480.

Đáng nói, nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được coi là nhóm cổ phiếu “vua”, sau một thời gian dài tăng miệt mài từ cuối năm 2020 đến đầu 2021 thì đã tỏ ra đuối sức. Với việc chiếm tới hơn 30% vốn hóa thị trường, cổ phiếu ngân hàng đang gây sức cản không nhỏ cho Index.

Nhà đầu tư đã dường như đang rất thận trọng với nhóm cổ phiếu này, khi không ít người trung thành nắm giữ cổ phiếu ngân hàng đã thất vọng và không còn đủ kiên trì khi thị trường xanh tím nhưng tài khoản vẫn đỏ.

Tài khoản nhiều nhà đầu tư hao hụt vì cổ phiếu ngân hàng thời gian qua

Tài khoản nhiều nhà đầu tư hao hụt vì cổ phiếu ngân hàng thời gian qua

Lý giải về sự “quay lưng” của nhà đầu tư với cổ phiếu nhóm ngành này, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng Tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hiện nay nhà đầu tư cá nhân đang là chủ đạo trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức rất hạn chế. Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, thông thường sẽ giao dịch rất nhanh, họ kỳ vọng sinh lời nhanh, do đó họ thường chọn những cổ phiếu vừa và nhỏ.

Còn đối với cổ phiếu ngân hàng gần đây đang có nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư lo lắng.

Thứ nhất là lo lắng nợ xấu tăng sau đại dịch gây rủi ro cho ngân hàng. Thứ hai là sau thời gian tăng giá dài, định giá cổ phiếu ngân hàng đã không còn rẻ. Thứ ba là thời gian qua rất nhiều ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng đã gây áp lực về lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, qua đó gây áp lực lên cổ phiếu.

Kỳ vọng tích cực

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức vẫn kỳ vọng sau thời gian tích lũy, cùng với hoạt động kinh doanh tích cực hơn và các ngân hàng sẽ có những câu chuyện để thu hút dòng tiền trở lại.

Ông cũng cho rằng gói hỗ 800.000 tỷ dự kiến trong thời gian tới sẽ tác động tốt đến ngân hàng, khi doanh nghiệp có dòng tiền sẽ khôi phục sản xuất, kinh doanh, qua đó giảm áp lực nợ xấu.

“Ngân hàng là một trong những ngành hiếm hoi trên thị trường lợi nhuận tăng trưởng thời gian dài, kể cả trong và sau dịch. Nền tảng cho vay tín dụng luôn tăng trưởng, năm nay khó khăn như vậy nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng khoảng 15%, thậm chí hơn 20%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đa dạng hóa doanh thu, lợi nhuận, nên lợi nhuận sẽ tiếp tục tích cực.

Ẩn số duy nhất là nợ xấu có tăng không, buộc các ngân hàng gia tăng trích lập không, có ảnh hưởng đến lợi nhuận không? Tôi nghĩ nếu nền kinh tế phát triển đúng hướng sau mấy tháng đóng cửa vừa qua thì nỗi lo này sẽ không phải quá nhiều, tạo điều kiện để ngân hàng tăng trưởng tích cực trong mấy tháng tới” - ông Đức nêu quan điểm.

Cùng chung nhận định, bà Phạm Thùy Dương - Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital cũng cho rằng ngân hàng có đà tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh trong năm 2021, nhất là trong 9 tháng đầu năm. Ngay cả những tháng giãn cách vừa qua, lợi nhuận cũng tăng trưởng tương đối ổn định.

Về lo lắng nợ xấu, bà Dương cũng cho rằng không đáng lo. “Tôi nghĩ ở góc độ đầu tư cơ bản thì nó không tệ như các nhà đầu tư, báo chí lo lắng. Vì tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ gần 1,8% cuối 2020 lên 1,9% vào cuối quý 3 năm nay - vẫn trong tầm kiểm soát. Dư nợ tái cơ cấu cuối tháng 9 vừa qua là 2,6% trên tổng dư nợ, đã thấp hơn mức đỉnh 3,9% vào cuối 2020.

Các ngân hàng cũng đã tích cực trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục và trung bình cao trong khu vực, một số ngân hàng đã lên đến trên 200%. Chúng tôi nhận định nếu không có một đợt giãn cách xã hội diện rộng nữa thì khó mà ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng năm 2022” - đại diện Dragon Capital cho biết.

Cũng theo bà Dương, dự kiến trong quý 4 và kéo dài sang năm 2022, tín dụng sẽ tăng mạnh, do đó thu nhập đến từ tín dụng sẽ tăng, đặc biệt là thu nhập bán lẻ với lợi nhuận cao hơn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đã rất đa dạng hóa lợi nhuận.

“Tỷ trọng nắm giữ nhóm ngân hàng của Dragon Capital cao hơn tỷ trọng nhóm cổ phiếu này trong VN-Index cũng là do kỳ vọng đó” - bà Phạm Thùy Dương cho biết.