Vì sao nhà chức trách hàng không chưa đồng ý dự án đội tàu bay 100 chiếc của Bamboo Airways?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là Nhà chức trách hàng không và Bộ GTVT đều chưa đồng tình với dự án tăng đội tàu bay lên 100 chiếc đến 2028 của Bamboo Airways.

Bổ sung tàu bay “khủng” làm mất cân đối cung/cầu

Tại văn bản cho ý kiến về dự án tăng đội tàu bay lên 100 chiếc đến năm 2028 với số vốn 14.800 tỷ đồng của hàng không Tre Việt, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã lấy ý kiến của các cơ quan tham mưu và giao Cục Hàng không Việt Nam – Nhà chức trách hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ này.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2020 là một năm khó khăn với hàng không thế giới và Việt Nam. Sang năm 2021, thị trường hàng không cũng đầy khó khăn khi nhiều tháng nay, hầu hết các đường bay nội địa đã tạm dừng và đường bay quốc tế vẫn tạm dừng từ năm 2020.

Từ ngày 9/7, khi TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội thì đến nay, số chuyến bay thực hiện hàng ngày chưa đến 50 chuyến, tương ứng 3% so với giai đoạn tháng 4/2021 trước đó.

Bộ GTVT chưa đồng ý cho Bamboo Airways tăng đội tàu bay khủng 100 chiếc đến 2028

Bộ GTVT chưa đồng ý cho Bamboo Airways tăng đội tàu bay khủng 100 chiếc đến 2028

Phần lớn tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam không được hoạt động thường xuyên, dư thừa, thậm chí phải chuyển hướng hoán cải chở hàng hóa.

Tuy vậy, Bộ GTVT nhìn nhận, thị trường hàng không Việt Nam chỉ có thể trở lại bình thường trong năm 2022, còn kịch bản phục hồi thị trường hàng không (bao gồm cả thị trường quốc tế) như năm 2019 sẽ không sớm hơn năm 2024.

Hơn nữa, mặc dù hạ tầng cảng hàng không và năng lực giám sát an toàn của ngành hàng không vẫn đáp ứng với dự án tăng đội tàu bay lên 100 chiếc của Bamboo Airways vào năm 2028, nhưng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa xác định cụ thể kịch bản phục hồi, việc bổ sung tàu bay sẽ gây mất cân đối cung/cầu của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam khi các hãng đều trong tình trạng khó khăn, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị giữ nguyên hiện trạng đội tàu bay, chưa cho phép đưa thêm tàu bay vào Việt Nam như trước đó Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đến khi nhu cầu thị trường tương ứng với khả năng khai thác của đội tàu bay hiện tại.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh và xác nhận thời điểm phù hợp để tiếp tục báo cáo Bộ GTVT xem xét đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của Bamboo Airways cho giai đoạn sau khi thị trường phục hồi tương ứng mức trước dịch (năm 2019).

Tre Việt không còn là công ty con của FLC

Tại văn bản góp ý về dự án của Bamboo Airways, Bộ GTVT cho biết, thống nhất với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam- Nhà chức trách hàng không Việt Nam.

“Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay.

Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên hiện trạng đội tàu bay như hiện tại, chưa cho phép đưa thêm tàu bay vào Việt Nam.

Còn tại văn bản của Bộ KH-ĐT góp ý về dự án này, Bộ KH-ĐT cho biết, theo hồ sơ đề nghị phê duyệt dự án đầu tư trước đây thì Công ty Tre Việt là Công ty TNHH do Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tại quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt và Công ty CP Tập đoàn FLC chịu trách nhiệm về các cam kết của mình theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, từ ngày 5/2/2021, Công ty Tre Việt đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty CP, cổ đông sáng lập là Tập đoàn FLC chỉ còn nắm giữ 39,4% vốn điều liệu của Công ty Tre Việt, Công ty Tre Việt không còn là công ty con của Tập đoàn FLC nữa.

Do vậy, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của của Tập đoàn FLC đã có sự thay đổi cơ bản theo quy định của Luật Doanh nghiệp (từ chủ sở hữu sang cổ đông).

Bộ KH-ĐT đề nghị Công ty CP Tre Việt giải trình, làm rõ việc thay đổi tư cách pháp nhân của nhà đầu tư thực hiện dự án, cũng như việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Tập đoàn FLC khi giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Tre Việt, nhất là các khoản vốn vay, vốn huy động, hợp đồng thuê, mua may bay được Tập đoàn FLC bảo lãnh (nếu có), đồng thời bổ sung tài liệu chứng minh cho sự thay đổi loại hình doanh nghiệp của nhà đầu tư...