Vì sao ngày càng có nhiều người "sập bẫy" kinh doanh đa cấp bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, một số địa phương đã cảnh báo về hiện tượng kinh doanh đa cấp bất động sản. Do không có tiềm lực về tài chính nhưng muốn làm giàu nhanh từ nhà đất, nên không ít người đã nhanh chóng sập bẫy đầu tư những dự án “ảo”.

1.001 thủ đoạn lừa đảo

Trên mạng xã hội, nhiều đối tượng đã đăng tin, quảng cáo khá rầm rộ về việc tổ chức các khóa đào tạo miễn phí, những buổi chia sẻ về “phương thức tư duy cách bán hàng bất động sản, tình hình thị trường, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này”... nhằm tìm kiếm khách hàng.

Thậm chí không ít chủ thuê bao điện thoại còn liên tục bị làm phiền, bởi những cuộc gọi mời tham gia hội thảo về bất động sản từ các sim rác, với những lời quảng cáo “sốc tận óc”, kiểu như “bí quyết thành công tuyệt đỉnh”, “chỉ sau 1 năm chạm vào bất động sản sẽ trở thành triệu phú”…

Nhiều khóa học, hội thảo về tình hình thị trường bất động sản thực chất là kinh doanh đa cấp (ảnh minh họa)

Nhiều khóa học, hội thảo về tình hình thị trường bất động sản thực chất là kinh doanh đa cấp (ảnh minh họa)

Là người đã từng tham gia một số buổi hội thảo, ông Phạm Thành Xuân ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, diễn giả trong các khóa học thường là lãnh đạo chính các sàn bất động sản, xuất hiện như những 'minh tinh màn bạc' kể lại câu chuyện dường như chỉ có trong cổ tích, từ tay trắng vươn lên thành đại gia bất động sản.

Ngoài việc giới thiệu sơ qua về các dự án bằng những hình ảnh trên máy chiếu, họ chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục các học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối.

Sau một vài buổi dạo đầu, diễn giả và một số “học viên” cò mồi bắt đầu lân la rỉ tai rủ rê những người khác góp vốn, chung nhau mua vài suất “ưu đãi” ở dự án… Nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6-7% giá trị sản phẩm. Những học viên không dư dả tiền thì có thể cùng góp vốn vào một sản phẩm với nhiều người khác.

Mặc dù sản phẩm bất động sản được bán chủ yếu là bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng ở các tỉnh phát triển du lịch, nhưng lại nằm ở những nơi có vị trí hạ tầng kém, giao thông không thuận tiện, khả năng sinh lời không cao. Do các diễn giả thường đánh vào tâm lý chung của những người không có tiềm lực về tài chính, nhưng muốn làm giàu nhanh từ thị trường bất động sản nên đã khiến không ít học viên nôn nóng đầu tư.

“Do đây là loại sản phẩm hình thành trong tương lai, nên người mua sẽ cùng đứng tên trong hợp đồng góp vốn hoặc đặt cọc với đại lý, nộp tiền theo tiến độ. Chủ đầu tư thường dùng chính số tiền huy động được từ người mua để xây dựng nên, nếu dự án bán được nhiều thì xây dựng nhanh trong khi nếu bán chậm thì thậm chí sẽ không thể triển khai. Hậu quả cuối cùng chỉ có nhà đầu tư chịu thiệt” - ông Xuân nhận định.

Không chỉ có vậy, một số đối tượng còn mạo danh chủ đầu tư, vẽ dự án để bán, đưa ra thông tin dự án bất động sản sai sự thật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy?

Thủ đoạn kinh doanh đa cấp bất động sản là dùng mồi cam kết lợi nhuận cao để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền. Nguy hiểm hơn là các công ty này bán sản phẩm không có thật, trái với quy định của pháp luật.

Hình thức kinh doanh là lấy tiền người này để trả cho người khác, lấy tiền của nhà đầu tư trước trả cho người sau. Bên bán sẽ quảng cáo dự án với lợi nhuận khủng, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng thủ thuật 'bánh vẽ dự án, bánh vẽ quy hoạch', viễn cảnh hạ tầng hoàn thiện. Nhiều người mua bị hoa mắt bởi những thông tin này, nên không xem xét giấy tờ pháp lý của dự án.

Ngoài ra, vì ham lợi nhuận, chiết khấu cao nên họ càng nhiệt tình giới thiệu thêm nhiều khách hàng đến mua qua bán lại, trở thành người quảng cáo thay cho chủ đầu tư - anh Nguyễn Ngọc Chung - một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết.

Trước khi xuống tiền đầu tư vào bất cứ dự án bất động sản nào, mỗi cá nhân phải xem xét cơ sở pháp lý của dự án, đó là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cho phép làm nhà ở như chung cư, nhà phố, biệt thự…; phải có giấy phép xây dựng đồng thời đủ điều kiện huy động vốn theo quy định.

Đối với dự án phân lô, bán nền phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện, chiếu sáng công cộng.

Điều quan trọng nhất là theo quy định của pháp luật hiện hành về bán hàng đa cấp, bất động sản không thuộc diện được phân phối theo hình thức đa cấp, việc kinh doanh bất động sản phải tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Vì vậy, việc áp dụng mô hình đa cấp để phân phối dự án bất động sản là vi phạm quy định pháp luật, ẩn chứa nhiều rủi ro, thiệt hại cho nhà đầu tư.

“Để tránh sập bẫy, người dân không thực hiện giao dịch mua, bán tại các dự án bất động sản không đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng; không tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi dự án chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất” - anh Chung khuyến cáo.