Vì sao lãi suất chưa giảm dù lạm phát rất thấp?

ANTĐ - Hiện đang có một nghịch lý là lạm phát ở mức rất thấp nhưng lãi suất cho vay không giảm. Với mức lãi suất hiện nay, doanh nghiệp   sẽ chật vật và khó tạo được ưu thế cạnh tranh. 
Vì sao lãi suất chưa giảm dù lạm phát rất thấp? ảnh 1

Các ngân hàng khó giảm thêm lãi suất cho vay dù lạm phát hiện ở mức rất thấp

Lo ngại làn sóng tăng lãi suất

Gần đây, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn. Hiện tượng này làm dấy lên lo ngại sẽ xuất hiện làn sóng tăng lãi suất ở các ngân hàng và tác động làm tăng lãi suất cho vay. Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đánh giá: “Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sẽ không tạo ra làn sóng tăng lãi suất cho vay, bởi  việc này chỉ rơi vào một số ngân hàng nhỏ cần chuẩn bị nguồn vốn tín dụng cho giai đoạn cuối năm và thanh khoản không được tốt như các ngân hàng thương mại lớn”. 

Chia sẻ tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi, nhưng ở thời điểm hiện nay, lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.

Ông Lâm Văn Chiểu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh lúa giống không cao, nên để tái đầu tư cần phải tính toán rất kỹ. Qua đó doanh nghiệp này đề nghị điều chỉnh hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 9%/năm. 

Lãi suất ở mức như hiện nay là lý tưởng 

Trước các ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, TS Cấn Văn Lực cho rằng, muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Với lạm phát ở mức thấp, đây là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Mặc dù vậy không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều. 

TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: “Phải đứng về cả hai phương diện là người đi vay và người gửi tiền. Nếu muốn hạ lãi suất cho vay xuống nữa thì lãi suất huy động cũng phải hạ. Khi đó người gửi không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm nữa và chuyển sang đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng…. Như vậy, sẽ dẫn tới hậu quả là bẫy thanh khoản, các ngân hàng khó huy động, thiếu nguồn và lãi suất lại phải tăng lên. Do vậy, theo quan điểm của tôi, lãi suất giữ được ở mức như hiện nay là lý tưởng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng”. 

Thông tin thêm về mối tương quan giữa lạm phát với lãi suất, các chuyên gia cho biết, lạm phát chính là sự mất giá của đồng tiền, một người có 100 đồng và lạm phát trong năm là 5% thì tới cuối năm 100 đồng đó dù không làm gì thì giá trị cũng chỉ còn 95 đồng. Với lạm phát đó, người giữ tiền mong muốn lãi suất tiền gửi phải cao hơn 5% để bảo toàn vốn, nếu không sẽ tìm kênh đầu tư khác thay vì gửi vào ngân hàng. Vì vậy, mức lãi suất ngân hàng đưa ra có quan hệ mật thiết với kỳ vọng lạm phát.