Vì sao không giảm thuế xăng dầu?

ANTĐ - Trước những ý kiến đề nghị nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng không tăng quá mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã có những trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
 Nếu cho nguồn lực như thuế, quỹ về 0% hết thì sẽ không còn nguồn lực để bình ổn giá
 Nếu cho nguồn lực như thuế, quỹ về 0% hết thì sẽ không còn nguồn lực để bình ổn giá

PV: Hiện thuế đang chiếm trên 30% tỷ trọng giá xăng, tương đương với khoảng 6.000 đồng/lít. Có ý kiến cho rằng, Bộ chỉ chú trọng nguồn thu cho ngân sách mà không giảm thuế để chia sẻ với người tiêu dùng. Ông có thể cho biết vì sao Bộ Tài chính vẫn quyết định không giảm thuế xăng dầu?

Thuế hiện nay đang thấp hơn barem Nhà nước quy định rất nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề thuế nhập khẩu còn liên quan đến cam kết với các doanh nghiệp nước ngoài trong đầu tư các nhà máy lọc dầu, tối thiểu phải là 7%. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng vấn đề này và đề nghị thuế tạm giữ như hiện nay. Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục tăng, diễn biến xấu, bất lợi thì chúng tôi sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp điều tiết thị trường xăng dầu. Hiện tại, không thể nói trước 10 ngày tới giá thế giới tăng thì sẽ giảm thuế.

Về ý kiến cho rằng, bộ chỉ chú trọng nguồn thu ngân sách, tôi xin nhấn mạnh lại rằng, chính vì xử lý theo hướng không tác động nhiều đến sản xuất, tiêu dùng nên chúng tôi chỉ cho phép các doanh nghiệp có thể định giá tăng bằng 50% mức giá phải tăng mà các doanh nghiệp tính theo Nghị định 84. Như vậy, lợi ích người tiêu dùng cũng đã được chia sẻ bằng cách chỉ cho phép doanh nghiệp tăng bằng 50% mức cần phải tăng, còn lại doanh nghiệp phải chịu, ví dụ xăng sẽ chỉ tăng khoảng 700 đồng/l bằng 50% mức cần điều chỉnh. Nếu doanh nghiệp chịu hết thì nguồn lực không đủ, làm như vậy là để hài hòa.

Nếu chúng ta cho mọi nguồn lực huy động như thuế, quỹ về 0% hết thì sẽ không còn nguồn lực để bình ổn giá, hài hòa các lợi ích.

PV: Hiện nay, khi mua mỗi lít xăng dầu, người dân phải bỏ thêm 300 đồng/lít vào Quỹ Bình ổn khiến giá cơ sở tăng lên. Vì sao Bộ Tài chính không giảm mức trích quỹ?

Quy định 300 đồng/lít trích Quỹ này là cho phép tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Nếu giờ không trích thì chúng ta sau này sẽ không có nguồn để sử dụng bù ra, để mức giá tăng thấp hơn. Tính đến nay, số dư Quỹ bình ổn giá mới được 500 tỷ đồng. Nguồn lực Quỹ đã sử dụng hết để bình ổn vào năm 2011 và đầu năm 2012 nên quỹ ở một số doanh nghiệp hiện nay vẫn đang âm. Do đó, chúng ta cần tiếp tục trích để bù đắp lại số âm này.

Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi cũng không thể tính được nguồn thu hàng năm từ xăng dầu vì thuế về 0%, quỹ có lúc ngừng trích. Chỉ khi giá xăng được điều chỉnh giảm mạnh thì mới có cơ hội tăng thu trở lại các nguồn lực này cho xăng dầu.

PV: Trước đây quyết định tăng giá xăng dầu thường được giữ bí mật cho tới thời điểm tăng. Nhưng hiện nay thông tin doanh nghiệp đề nghị tăng giá đã phần nào khiến hiện tượng các cây xăng “găm hàng” chờ đợi cũng diễn ra nhiều hơn. Cơ quan quản lý sẽ có hướng khắc phục như thế nào?

Những ngày vừa qua cũng có dư luận về việc này, Bộ Công Thương đã tổng kiểm tra các đơn vị và phát hiện 2 cây xăng vi phạm. Cái chúng ta hay nói là “găm hàng” phải có điều tra cụ thể. Vì găm hàng phải căn cứ vào lượng bán ra hàng ngày, hàng tháng nhất là trong những ngày có thông tin gần điều chỉnh giá thì bán ra có bình thường không. Ví dụ, những ngày bình thường lượng cung là 5 tấn/ngày và tự nhiên bán 1 tấn/ngày nhưng vẫn còn tồn trong kho, trong khi người mua vẫn khó thì chắc chắn là “găm hàng”. Rất nhiều thông tin “găm hàng” ở đâu đó nhưng khi kiểm tra lại không phải như vậy.

Cũng không loại trừ trường hợp có tình trạng chờ giá, chúng ta cũng đã có quy định. Để triệt tiêu hiện tượng này thì chắc chắn cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra kiểm soát và phải xử lý thật nghiêm. Kể cả việc “dũng cảm” rút giấy phép có thời hạn hoặc vô thời hạn, chứ phạt vài chục triệu thì chưa đủ. Găm khi giá tăng cao hơn thì một ít cũng bù đủ tiền phạt.