Vì sao Iran ngạo nghễ thách thức MỸ?

ANTĐ - Cho rằng mục đích cuối cùng của Tehran là sản xuất bom nguyên tử, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran như phong tỏa tài khoản, cấm vận dầu. Gần đây, Mỹ và EU dọa sẽ có hình thức trừng phạt mới và chưa từng thấy đối với Iran.

Phía Iran cáo buộc phương Tây lợi dụng vấn đề hạt nhân hòng thay đổi chế độ ở nước Cộng hòa Hồi giáo và vẫn bình thản và tiếp tục ngạo nghễ thách thức bằng việc công bố một loạt thành tựu hạt nhân quan trọng với việc tăng thêm 3.000 máy ly tâm, khai trương 3 lò phản ứng mới và nạp 20 thanh nhiên liệu lần đầu tiên sản xuất trong nước có cấp độ làm giàu 20% vào lò phản ứng nghiên cứu ở thủ đô Tehran.

Nhiên liệu dành cho lò phản ứng được làm giàu ở cấp độ 20%, trong khi urani sản xuất vũ khí hạt nhân phải được làm giàu đến 90%, dù sao khả năng làm giàu urani cấp độ 20% là một bước tiến quan trọng để có thể hướng tới chế tạo vũ khí hạt nhân. Với sự kiện này đã xuất hiện câu hỏi, Iran sẽ cho Mỹ và đồng minh biết sức mạnh trong lĩnh vực này? Tehran vẫn tuyên bố việc phát triển hạt nhân của họ chỉ để phục vụ mục đích khoa học và dân sinh. Vậy một đất nước bình thường như Iran có sức mạnh để liên tục ngạo nghễ thách thức Mỹ - siêu cường số 1 thế giới và các đồng minh hùng mạnh của nước này.

So về sức mạnh quân sự với Mỹ - cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, Iran chắc chắn không thể sánh được. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, Iran là một đối thủ thực sự đáng gờm của Mỹ. Nếu đánh Iran, Mỹ sẽ phải đối đầu với đối thủ mạnh nhất trong số những đối thủ mà nước này từng đối mặt trong vài thập kỷ qua.

 Có thể nói, Iran là một trong số ít các quốc gia trong thế giới Hồi giáo có được thực lực quốc phòng thực sự đáng nể. Theo Global Fire Power - GFP, trang web đánh giá sức mạnh quân sự của các nước trên thế giới, Iran được xếp vị trí thứ 12 về sức mạnh quân sự, chỉ đứng sau những siêu cường quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... Quân số chính thức của quân đội Iran là 545.000 người, quân dự bị 650.000 người, được chia làm 3 bộ phận bài bản gồm: Lục quân, Hải quân và Không quân. Lục quân Iran là lực lượng hùng hậu nhất của quân đội Iran và lớn nhất trong khu vực vùng Vịnh với số lượng vũ khí ấn tượng. Hiện Iran có khoảng 2.000 xe tăng và 500 thiết giáp do Nga sản xuất và của cả Mỹ và Anh đã được Iran nhập khẩu trước năm 1979. Bộ binh Iran còn sở hữu 5.000 súng cối và nhiều tên lửa mặt đất do chính Iran sản xuất theo khuôn mẫu tên lửa "Salyut" của Nga và loại TOW của Mỹ. Hải quân Iran có 261 tàu chiến, 3 cảng chính,  3 tàu khu trục, 19 tàu ngầm, 5 tàu khu trục nhỏ...

Không lực của Iran có 1.030 máy bay, 357 trực thăng và 319 sân bay có thể hoạt động. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là kho vũ khí tên lửa của Iran. Nước CH Hồi giáo sở hữu một loạt tên lửa đạn đạo Shahab-1, Shahab-1, Shahab-3... với tầm bắn từ 300km đến hàng nghìn km. Các chuyên gia ước tính, hiện tại Iran đang sở hữu những tên lửa có tầm xa nhất lên tới gần 2.500km. Với những tên lửa loại này, Iran có thừa khả năng để tấn công Israel và châu Âu. Tuần trước, Phó Thủ tướng Israel Moshe Yaalon còn cho biết Iran đang tìm cách chế tạo một loại tên lửa có tầm bắn lên tới gần 10.000km, có thể tấn công đến tận nước Mỹ.

Với sức mạnh quân sự đứng hàng đầu trong khu vực, Iran có thừa khả năng để gây khó dễ lâu dài cho các cường quốc nếu họ định mạo hiểm tấn công nước CH Hồi giáo. Với một Libya yếu hơn nhiều so với Iran mà Mỹ và phương Tây còn phải mất nhiều tháng mới đánh bại thì cuộc chiến ở Iran với họ sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần, nhất là trong bối cảnh Mỹ còn đang mắc kẹt trong cuộc chiến ở Afghanistan và đang phải cắt giảm quy mô quân đội nhằm thắt chặt ngân sách quốc phòng.

Iran còn có những đồng minh đáng gờm như phong trào Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Lebanon. Đây là những lực lượng vốn coi Mỹ là “kẻ thù không đội trời chung” và có khả năng tiến hành những cuộc tấn công trả đũa có sức tàn phá lớn. Hiện tại, người dân Iran có thể có sự chia rẽ, mâu thuẫn giữa các phe nhóm nhưng trước một kẻ thù chung là Mỹ, họ có thể đoàn kết lại, tạo thành một sức mạnh khó chống.

Tehran đã cảnh báo, sự đáp trả của họ đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào đất nước họ là vô cùng thảm khốc. Đây không phải là lời đe dọa suông. Iran có khả năng để đóng cửa eo biển Hormuz - một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới trong một thời gian đủ dài để gây tổn thất cho thế giới. 1/3 nguồn cung cấp dầu mỏ cho thế giới đi qua đây. Nếu tuyến đường này bị chặn đứng thì kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh hoàng khi bị mất 1/3 nguồn cung cấp dầu mỏ.

Việc công bố thành tựu hạt nhân vừa qua của Iran còn cho thấy bất chấp lệnh phong tỏa, o ép kinh tế họ vẫn làm được những điều đó. Vậy nên, việc tấn công Iran của Mỹ và đồng minh không có nghĩa là có thể phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này cũng như ngăn chặn được tham vọng hạt nhân của Iran. Chính các quan chức Mỹ từng thừa nhận, việc đánh Iran có thể chỉ làm chậm quá trình nước này có được vũ khí nguyên tử nhưng nó sẽ khiến quyết tâm của nước CH Hồi giáo trong việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt lại càng trở nên mạnh mẽ hơn!

Theo THX, hãng tin địa phương Geo ngày 17/2 cho biết Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã cam kết ủng hộ Iran trong trường hợp Tehran bị nước ngoài xâm lược. Cam kết được đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang ở thăm Pakistan hai ngày để tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên gồm Pakistan, Afghanistan và Iran. Tổng thống Zardari khẳng định Pakistan sẽ không cung cấp căn cứ cho Mỹ nếu cường quốc này có ý định tấn công Iran, đồng thời cam kết hỗ trợ Tehran chống mọi sự xâm lược từ nước ngoài./.