Vì sao Hàn Quốc lo sợ tên lửa KN-02 của Triều Tiên?

ANTĐ -Vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu. Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho biết, lí do của sự việc này chủ yếu xuất phát từ các loại tên lửa tầm ngắn như KN-02 của Triều Tiên.

Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc cho biết, họ sẽ không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu, mà sẽ nâng cấp các loại tên lửa đánh chặn hiện có, đồng thời sẽ nghiên cứu, chế tạo một loại tên lửa đất đối không thế hệ mới, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa của Hàn Quốc, lấy tên lửa đánh chặn tầm thấp làm mục tiêu chủ đạo.

Trong một cuộc phỏng vấn của Nhân dân nhật báo, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho biết, phía Hàn Quốc đang có một lỗ thủng rất lớn trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực vĩ tuyến 38, ranh giới phân định giữa 2 nước. Đặc biệt là Hàn Quốc cần phải triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp để đối phó với loại tên lửa tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên.

Ông Đỗ Văn Long cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc lấy phương châm là đối phó với các loại tên lửa đạn đạo từ tầm trung trở xuống của Triều Tiên, còn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu nhắm tới các loại tên lửa có thể vươn tới Mỹ.

Nếu Hàn Quốc vung tiền phát triển theo con đường của Mỹ, họ sẽ không thể đánh chặn được các loại tên lửa tầm trung, tầm ngắn của Triều Tiên, dẫn đến nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Vì vậy, việc Hàn Quốc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp là hoàn toàn đúng đắn.

Tên lửa tấn công mặt đất tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên

Vị chuyên gia này phân tích, các loại tên lửa đất đối không hiện Hàn Quốc đang phát triển là một bộ phận cấu thành “chuỗi hủy diệt” tên lửa Triều Tiên. Hệ thống này được xây dựng dựa trên 2 biện pháp đánh chặn chủ yếu. Một là phát triển hệ thống tên lửa đất đối không đa tầng lớp, dựa vào việc nâng cấp hệ thống Patriot-2 và Patriot-3 hiện có; hai là xem xét nhu cầu đánh chặn thực tế để phát triển các hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp.

Ông Đỗ Văn Long nhấn mạnh, ví dụ như loại tên lửa đối đất tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên có tầm phóng vẻn vẹn 120km, vì vậy quỹ đạo phóng của nó rất thấp. Chính loại tên lửa này chứ không phải các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, đã trở thành sự uy hiếp khủng khiếp đối với thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chỉ cách vĩ tuyến 38 khoảng trên dưới 50km.

Các loại tên lửa đánh chặn hiện có của Hàn Quốc như Patriot-2 và Patriot-3 có thể đánh chặn được các loại tên lửa dòng Scud có tầm bắn 500-700km hoặc các tên lửa tầm trung như Musudan, nhưng không có cách nào đánh chặn được tên lửa có quỹ đạo bay thấp như KN-02. Điều này đã tạo thành một lỗ hổng rất lớn ở khu vực vĩ tuyến 38. Hiện trạng này chỉ được thay đổi khi Hàn Quốc phát triển các loại tên lửa đánh chặn tầm thấp.