Vì sao Hàn Quốc cho trực thăng Seahawk của Mỹ “đo ván”?

ANTĐ - Vừa qua, trong dự án mua sắm một loại trực thăng đa dụng nhưng chú trọng vào mục đích chống ngầm, chống thủy lôi, Hàn Quốc đã gây sốc khi loại máy bay MH-60R “Seahawk” của Mỹ để lựa chọn AW-159 “Wildcats” của Anh. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ngày 21/01, Tạp chí quân sự hàng đầu thế giới Jane’s Defence Weekly đã tiết lộ một thông tin bí mật, giúp các chuyên gia quân sự giải mã nguyên nhân tại sao Hàn Quốc lại loại bỏ không thương tiếc loại trực thăng của hãng Sikorsky Aircraft Corporation.

Đầu tháng này, rất nhiều công ty công nghiệp quốc phòng và hải quân các nước đều chắc mẩm là loại máy bay MH-60R “Seahawk” của hãng Sikorsky Aircraft Corporation - Mỹ sẽ được hải quân Hàn Quốc lựa chọn.

Mọi người đều tưởng Seahawk đã chiến thắng trong gói thầu này.

Thế nhưng chỉ 2 tuần sau, người phát ngôn của Cục quản lý dự án mua sắm quốc phòng Hàn Quốc đã ra thông báo, họ đã so sánh và chấm điểm 2 loại máy bay này dựa trên các tiêu chí: giá cả 30%, tính năng 35,2%, khả năng phù hợp tác chiến 24,3%, các điều khoản và điều kiện khác chiếm 10,4%. Kết quả cuối cùng, mặc dù “Seahawk” cũng có nhiều ưu điểm nhưng Hàn Quốc thấy “Wildcats” của Anh phù hợp hơn với hải quân Hàn Quốc, vì vậy họ quyết định sẽ mua AW-159 của công ty Agusta Westland.

Quyết định này đã gây ra nhiều thắc mắc cho các chuyên gia quân sự, họ không hiểu MH-60R thua kém AW-159 ở điểm nào. Và ngày 21/01 vừa qua, Jane’s Defence Weekly đã đưa ra lời giải đáp cho những thắc mắc này.

Nhưng cuối cùng AW-159 “Wildcats” lại chiến thắng

Chỉ vài giờ sau khi Hàn Quốc công bố quyết định loại bỏ MH-60R, Cục thử nghiệm và giám định tác chiến Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên, trong đó có phần đánh giá loại trực thăng chống thủy lôi MH-60S KnightHawk không thể kéo được hệ thống quét lôi hoặc các hệ thống sonar rà lôi của các tàu chiến đấu ven bờ (LSC) Mỹ.

Bản báo cáo chỉ rõ, hải quân Mỹ xác định trực thăng chống thủy lôi MH-60S Knighthawk không bảo đảm độ an toàn khi kéo các hệ thống rà lôi kiểu cảm ứng hoặc các hệ thống sonar quét lôi AN/AQS-20A do hệ thống động lực của máy bay không đủ công suất. Bắt đầu từ năm 2013, trực thăng chống thủy lôi MH-60S Knighthawk sẽ không được biên chế trên các tàu LSC để đảm nhiệm các nhiệm vụ loại này nữa.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ người anh em song sinh là MH-60S "Knighthawk"

Jane’s cho rằng không phải ngẫu nhiên mà bản báo cáo đó chỉ được công bố sau khi Hàn Quốc tuyên bố mua “Wildcats” của Anh, khả năng bản báo cáo đó đã bị "ém" lại một thời gian, khi Seoul chính thức gạt bỏ MH-60R thì hải quân Mỹ mới công bố. Tuy vậy, đã có sự rò rỉ thông tin nhất định nên đầu tiên Hàn Quốc định mua MH-60R nhưng sau đó lại thay đổi quyết định không mua nữa vì cho rằng 2 loại này cùng một thế hệ, MH-60S "Knighthawk" đã không đảm bảo được nhiệm vụ rà quét lôi thì cũng không có gì chắc chắn là MH-60R “Seahawk”sẽ thực hiện được nhiệm vụ chống ngầm và chống thủy lôi. Chính vì vậy, AW-159 của liên doanh Anh - Ý Agusta Westland mới chiến thắng một cách đầy bất ngờ.