Vì sao giá xăng chỉ giảm 500 đồng/lít?

ANTĐ - Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng thấp hơn giá bán lẻ 828 đồng/lít, nhưng liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giảm 500 đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu vẫn tuân theo điệp khúc “tăng nhiều, giảm ít”. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- PV: Ông có thể cho biết mức giảm giá xăng 500 đồng/lít vào ngày 9-5 được tính toán dựa trên cơ sở nào?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc giảm giá xăng 500 đồng/lít từ 22h ngày 9-5 được dựa trên cách tính giá bình quân 30 ngày. Tính từ ngày 9-4 đến 8-5-2012 giá bình quân 30 ngày các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,78 - 4,69%. Còn nếu tính bình quân 20 ngày (từ ngày 20-4 là thời điểm tăng giá xăng 900 đồng/lít) thì giá bình quân thành phẩm các mặt hàng xăng dầu giảm 1,86 - 5,18%.

Với cách tính theo quy định bình quân 30 ngày thì giá cơ sở thấp hơn giá bán mặt hàng xăng, dầu trong nước đối với mặt hàng xăng là 828 đồng/lít; mặt hàng dầu diezel là 626 đồng/lít. Còn theo phương án tính 20 ngày thì mức chênh với xăng là 1.100 đồng/lít, diezel 720 đồng/lít...

- Việc chậm điều chỉnh giá xăng khi giá thế giới giảm mạnh đã đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp xăng dầu, có thời điểm mức lãi lên tới 1.600 đồng/lít. Thực tế có đúng như vậy không thưa ông?

- Không có chuyện doanh nghiệp lãi lớn như vậy, tôi cũng không hiểu cách tính như thế nào mà lại ra mức lãi của doanh nghiệp tới gần 2.000 đồng/lít. Theo tính toán chung nhất của cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp theo Nghị định 84 thì mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành chỉ là 828 đồng/lít đối với xăng.

Tôi khẳng định, việc điều chỉnh giảm giá xăng 500 đồng/lít không có gì khuất tất và làm lợi cho doanh nghiệp. Trong tính toán giá cơ sở để điều hành có tính lãi cho doanh nghiệp là 300 đồng/lít, còn lỗ lãi thực tế của từng doanh nghiệp thế nào thì phải dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó.

- Người tiêu dùng cho rằng, mức giảm của giá xăng lần này chỉ là 500 đồng/lít so với mức tăng mạnh 900 đồng/lít trong tháng trước, điệp khúc “tăng nhiều, giảm ít” lại tái diễn?

- Việc tăng hay giảm giá xăng phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá, chứ không phải do tâm lý. Chúng ta phụ thuộc tới 70% giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu thế giới tăng hay giảm là một tín hiệu để xem xét điều chỉnh.

Với phương án giảm lần này Nhà nước cũng tăng thuế nhập khẩu xăng lên 2% (tương đương 300 đồng/lít), và giảm tiêu dùng 500 đồng/lít để hài hòa lợi ích các bên. Đồng thời, việc tăng thuế cũng đã cân nhắc tính tới việc bù đắp cho lọc hóa dầu Nghi Sơn, bấy lâu ngân sách đã phải “gánh” phần này khi thuế nhập khẩu ở mức 0%. Dự báo từ nay tới cuối năm, nhất là vào mùa đông nhu cầu xăng dầu tăng, giá xăng dầu tăng theo sẽ tăng thuế nhập khẩu để có thêm nguồn lực bình ổn giá. 

- Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tính giá bình quân 30 ngày để so sánh là quá dài, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, do đó cần được sửa đổi. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào?

- Về thời gian tính giá, tôi cũng thừa nhận là 30 ngày là hơi dài. Nhưng việc sửa đổi, xuống 10 hay 20 ngày còn cần phải bàn. Vừa rồi điều chỉnh giá, chúng tôi cũng thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng đối với xăng. Nhiều ý kiến trong Thường trực Chính phủ cho rằng nếu giảm được mức 1.100 đồng này vào giá thì rất tốt.

Nên ưu tiên quyền lợi người tiêu dùng

Việc điều chỉnh giảm với mức 500 đồng được nhìn nhận là “nhỏ giọt”, điều này tạo ra cảm giác khi tăng thì rất mạnh còn khi giảm lại rón rén, cầm chừng. Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia, lần giảm giá này mang hiệu ứng tâm lý là chính, chứ còn tăng đến 3.000 đồng mà giảm 500 đồng thì quả là “không thấm vào đâu” và khiến người tiêu dùng không khỏi ấm ức. Thế nhưng, có hiệu ứng tâm lý là tốt và người tiêu dùng mong đợi ở cơ quan quản lý sự điều hành tăng, giảm linh hoạt hơn.

Trong lần điều chỉnh này, Bộ Tài chính đã tính toán “đủ phần” cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong các lần điều chính giá xăng dầu trước đây, liên Bộ Tài chính - Công Thương thường chần chừ không giảm ngay với lý do là chờ điều chỉnh thuế nhập khẩu để bù vào phần lỗ trước đó. Các chuyên gia cho rằng lý do này không thuyết phục.

Lần điều chỉnh vừa rồi được các chuyên gia đánh giá là có biểu hiện tích cực vì tần suất điều chỉnh nhanh hơn, khoảng cách giữa các lần điều chỉnh gần hơn. Bộ Tài chính phải cân đối giữa giảm giá và thu ngân sách. Người tiêu dùng luôn mong muốn có mức giảm cao hơn nhưng cơ quan quản lý cũng cần có sự cân đối. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nên ưu tiên hơn đến quyền lợi người tiêu dùng. Giảm thu ngân sách nhưng tăng niềm tin cho thị trường là điều cần làm hơn trong bối cảnh hiện nay.