Vì sao đưa "Thanh tra nhân dân" vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong phiên họp sáng 27-5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị và tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm các nội dung:

Xác định cụ thể một hoặc một số hình thức công khai thông tin có tính bắt buộc tại Điều 10 của dự thảo Luật; quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương tại Điều 13.

Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau.

Làm rõ cơ chế xử lý các nội dung chưa thống nhất trong quyết định của các cộng đồng dân cư khác nhau tại một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã khi cùng quyết định về một vấn đề có tác động, ảnh hưởng chung (như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông liên thôn…).

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Cân nhắc về tính bình đẳng và khả thi của quy định về trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư chỉ cần được 51% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì đã có giá trị bắt buộc thi hành đối với tất cả người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư; chế tài hay cơ chế nào để bảo đảm thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư trong các trường hợp này, nhất là liên quan đến các khoản đóng góp tài chính;

Nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung, phương thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn bạc, quyết định trong cơ quan, đơn vị vào Chương III để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ phương châm chỉ đạo của Đảng và bảo đảm sự tương thích với việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở khác;

Bên cạnh đó cần quy định cụ thể hơn việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước tại Chương IV; quy định rõ hơn về hình thức người lao động thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp.

Về Thanh tra nhân dân, Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân.

Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước; làm rõ lý do không quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mô hình tự quản (như Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ bảo vệ dân phố, Đội dân phòng...) để có định hướng tổ chức, sắp xếp lại một cách có hiệu quả hơn.