Vì sao cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bị kiến nghị thu hồi tước hiệu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào đầu năm 2022, Nữ hoàng Elizabeth đã phong cựu Thủ tướng Anh Tony Blair làm Hiệp sĩ Đồng hành cùng Huân chương Garter (tước vị hiệp sĩ cao quý nhất ở Anh). Tuy nhiên, đến cuối tuần này đã có hơn 1 triệu chữ ký tham gia bản kiến nghị thu hồi tước hiệu đó.
Việc cựu Thủ tướng Anh Tony Blair được phong tước hiệu Hiệp sĩ khiến nhiều người tức giận phản đối

Việc cựu Thủ tướng Anh Tony Blair được phong tước hiệu Hiệp sĩ khiến nhiều người tức giận phản đối

Ông Blair nhận được Huân chương Garter - tương ứng với tước vị hiệp sĩ cao nhất - trong danh sách Tôn vinh năm mới 2022. Ông Blair gọi việc được phong tước là một “vinh dự to lớn”. Tuy nhiên, quyết định của Nữ hoàng đã gây ra tranh cãi. Một bản kiến nghị trực tuyến với hơn 1 triệu chữ ký được đưa ra nhằm thúc giục Thủ tướng Anh đương nhiệm Boris Johnson đề xuất Nữ hoàng Anh tước bỏ danh hiệu Hiệp sĩ của ông Tony Blair.

Theo đơn kiến nghị, cựu Thủ tướng của Công đảng Anh “đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho cả Hiến pháp Vương quốc Anh lẫn cấu trúc xã hội quốc gia” trong nhiệm kỳ 1997-2007. Ông Tony Blair cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cá nhân về cái chết của “vô số sinh mạng dân thường vô tội và quân nhân trong các cuộc xung đột khác nhau”. Nhiều người chỉ trích ông Tony Blair vì vai trò của ông trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 và sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Anh với cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan. Các tác giả của bản kiến nghị nói rằng, vị cựu lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh bị cáo buộc và ông là “người kém xứng đáng nhất với bất kỳ danh hiệu nào”. Trước ông Blair, mọi Thủ tướng tiền nhiệm Anh đều từng được trao Huân chương Garter.

Năm 2017, khoảng 1/3 dân số Anh cho rằng, cựu Thủ tướng Tony Blair nên bị xét xử như “tội phạm chiến tranh” vì “cố ý khiến công chúng hiểu nhầm” về lý do xâm lược Iraq khi cho rằng giới chức Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một cuộc điều tra sau đó đã bác bỏ điều này. Trong số những người ủng hộ bản kiến nghị có mẹ của một người lính trẻ thiệt mạng ở Iraq. Đó là Gordon Gentle, 19 tuổi, lính thủy đánh bộ Hoàng gia đã chết vào năm 2004 sau khi Thủ tướng Tony Blair điều quân tới Iraq vào năm 2003. Bà Rose Gentle, 58 tuổi, đã dựng lều ngủ bên ngoài Văn phòng Thủ tướng nhằm tìm kiếm câu trả lời từ quan chức chính phủ, nhưng bà đã bị hắt hủi. Anh lính Gordon đến từ Pollok và thiệt mạng khi một quả bom đặt bên đường ở Basra phát nổ khi chiếc Land Rover chở anh cùng đồng đội đi qua. Bốn năm sau, một cuộc điều tra ra kết luận, sự việc do lỗi hậu cần của quân đội. Nếu chiếc xe gặp nạn hôm đó được cài thiết bị gây nhiễu điện tử thì có thể đã ngăn được vụ nổ. Bà Gentle nói: “Tôi cảm thấy đây là một cái tát vào mặt tôi và tất cả những gia đình mất người ở Iraq. Tính mạng của con trai chúng ta có ý nghĩa gì? Những hy sinh của gia đình không có ý nghĩa gì đối với ông Blair. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại có vinh dự này”.

Đáng chú ý, trước khi cựu Thủ tướng Tony Blair được phong tước Hiệp sĩ, nhà bình luận hoàng gia Richard Kay tiết lộ rằng, Nữ hoàng Anh cũng có “nỗi tức giận âm ỉ” đối với ông. Theo tờ Daily Mail, Nữ hoàng “vẫn còn oán giận” về việc ông Blair xử lý sự việc liên quan đến Công nương xứ Wales Diana vào năm 1997. Công nương Diana đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi chỉ vài tháng sau khi ông Blair trở thành Thủ tướng. Ông Blair đã có một bài phát biểu nổi tiếng vào sáng ngày Công nương Diana qua đời, trong đó ông gọi Diana là “Công nương của nhân dân”. Ông cũng được cho là đã thúc giục Nữ hoàng quay trở lại London từ lâu đài Balmoral ở Scotland. Ban đầu, Nữ hoàng đã từ chối quay về để tránh sự chú ý của báo giới vào Hoàng tử William và Harry.