Vì sao chợ hiện đại đìu hiu?

ANTĐ - Chiều 5-7, phiên chất vấn tại HĐND TP Hà Nội tiếp tục với phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu xung quanh vấn đề quản lý chợ, trung tâm thương mại. Hàng loạt chợ dân sinh trong trung tâm thương mại hiện đại đang "chết" là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.

Chợ hiện đại nhưng không có khách

Mở đầu, ĐB Phạm Xuân Tài, Phó Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP chất vấn: "Theo quy chuẩn quốc gia, trường học, chợ phải cách khu dân cư không quá 500 m, Hà Nội đảm bảo tiêu chuẩn này chưa? Trung tâm thương mại mới làm rất vắng khách có gây phát sinh chợ cóc, chợ rong? Trách nhiệm chính quyền ở đâu?". Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu trả lời: "Các chợ hiện nay là tồn tại lịch sử. Có chợ cũ lắm rồi, có từ trước năm 1954 nên không dễ đáp ứng quy chuẩn. Chợ cóc, chợ tạm nếu gây mất trật tự đô thị thì phải dẹp. Đây là việc thường xuyên song cũng phải vận động, thuyết phục bà con tiểu thương”. Ông Nguyễn Văn Sửu thừa nhận, các trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh như Cửa Nam, Hàng Da, dù “văn minh, hiện đại, hình ảnh đẹp”, nhưng cũng bất tiện cho người dân vào mua bán hàng ngày. “Giải pháp khắc phục UBND TP đã nêu rồi nhưng để chuyển biến được đòi hỏi ý thức của tất cả chúng ta” - Phó Chủ tịch UBND TP trả lời.

Chưa hài lòng, ĐB Phạm Xuân Tài hỏi tiếp: "Nếu các trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tiếp tục không hiệu quả, TP sẽ phải xử lý như thế nào? Mô hình này có thay được chợ truyền thống không?". ĐB Vũ Cao Minh (Thanh Xuân) chia sẻ: "Thanh Xuân có 3 dự án trung tâm thương mại nhưng đấu thầu xong chủ đầu tư không triển khai. Không có chợ hiện đại nên  người dân buộc phải vào chợ cóc, TP có thể cho biết bao giờ mới hết tình trạng này?". ĐB Bùi Huyền Mai tiếp: "Trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh không đi vào cuộc sống. Dân ngày nào cũng phải đi chợ, nên đành ra chợ cóc, chợ tạm. Chúng ta phải bố trí thế nào để dân có đủ chỗ đi chợ?".

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đáp: "Các trung tâm đó đều là vốn xã hội hóa, của doanh nghiệp bỏ ra. Dù vậy, các trung tâm này phải đảm bảo quy hoạch, không thể chuyển đổi sang loại hình khác. Có thể sẽ chỉ còn trung tâm thương mại mà không còn chợ dân sinh nữa”. Phó Chủ tịch UBND TP khuyến cáo: “Chúng tôi chia sẻ là rất cần chợ dân sinh trong nội thành tuy nhiên vào trung tâm thương mại, giá dù có cao hơn nhưng hàng hóa đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn". 

Chưa thể dẹp hết chợ dân sinh

Phân tích nguyên nhân dẫn tới thất bại của mô hình trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh, ĐB Nguyễn Hữu Thắng (Từ Liêm) nói: "Chủ trương là đúng nhưng cần xác định, văn hóa chợ khác hẳn trung tâm thương mại. Giá cả và chủng loại hàng hóa của chợ thường thấp hơn, phần lớn là hàng hóa sơ chế. Dưới con mắt người tiêu dùng, chợ dân sinh trong trung tâm thương mại rõ ràng là không thuận tiện. Những hàng hóa đó, người ta hoàn toàn có thể mua ngay ở vỉa hè. Hiện nay, giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại cao nên hàng hóa phải bán đắt, không có người mua. Việc nâng cấp chợ phải điều chỉnh lại. Cần cơ chế hỗ trợ để chợ dân sinh  tồn tại được trong trung tâm thương mại hiện đại".

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng giải trình thêm: "Hiệu quả đúng là thấp nên sau khi rà soát lại, TP đã hủy 2 dự án (chợ Nghĩa Tân và chợ Hôm - Đức Viên), không tổ chức thực hiện theo phương án chợ kết hợp với trung tâm thương mại nữa. Một loạt dự án khác đã được yêu cầu giãn tiến độ. TP cũng đang nghiên cứu tiếp để tìm kiếm mô hình chợ hiệu quả hơn...".

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chốt lại: "Chưa thể và không được phép dẹp chợ dân sinh trong 5-7 năm tới vì đây là nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân. Không thể nói là tiến lên văn minh hiện đại để rồi dẹp hết. UBND TP phải đánh giá lại hiệu quả của các dự án chợ để làm sao khai thác cho hiệu quả. Với các dự án chợ đang chậm tiến độ do chủ đầu tư, nếu không đủ điều kiện, năng lực thì phải thu hồi”.