Vì sao các thương hiệu Việt nổi tiếng như kem đánh răng Dạ Lan bỗng dưng biến mất?

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chiều 30-10, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đến nay chưa có giải thích thuyết phục nào cho tình trạng các thương hiệu Việt tầm cỡ đội nón ra đi. Khi về tay nhà đầu tư ngoại dù có mở rộng thị trường đến mức nào chăng nữa thì những thương hiệu này chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Cũng theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân, thời gian qua nhiều thương hiệu nổi tiếng như kem đánh răng Dạ Lan bị biến mất khỏi thị trường.

Đầu tháng 7/2019, Big C thông báo tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa. Tiếp theo đó, hàng loạt nhãn hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ nhường chỗ cho các nhà phân phối ngoại. Điều này cho thấy hàng Việt có nguy cơ mất dần chỗ phân phối ngay trên sân nhà.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân còn cho rằng, sự chi phối của nhà đầu tư ngoại đối với nền kinh tế ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp khó khăn về vốn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu thảo luận

“Việc tiếp cận tài chính, đất đai của doanh nghiệp tư nhân không dễ. Tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực này giảm, các doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đây chắc chắn không phải là tinh thần hành động kiến tạo mà Chính phủ nỗ lực kêu gọi trong thời gian qua” – Đại biểu Nhân nói.

Một thương hiệu bia bị thâu tóm sau thoái vốn là ví dụ điển hình. Nhiều người quy trách nhiệm cho thể chế chưa là bệ đỡ cho doanh nghiệp tư nhân, còn xã hội trách doanh nhân chưa có tinh thần tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp vẫn còn là chính sách gây tranh cãi - Đại biểu Nhân tiếp tục phân tích.

Trong khi sự đổ lỗi, quy trách nhiệm còn chưa có hồi kết thì vấn đề được quan tâm hơn là tiền đồ đất nước mất đi nhiều nguồn lợi. Từ sự dòm ngó của các doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt, việc thâu tóm các doanh nghiệp đình đám sau cổ phần hóa, việc các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đỡ đầu cho cá nhân khởi nghiệp khó tránh khỏi trong tương lai các quỹ này tiếp tục thâu tóm các thương hiệu mà họ đỡ đầu.  

"Chúng ta đang tạo nền móng cho người khác xây nhà. Do vậy, cần có giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu cả nền kinh tế, quan trọng nhất phải đặt niềm tin vào sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân – động lực quan trọng của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách.  Khi nguồn nội lực còn yếu và thiếu bền vững, việc bán đi các trụ cột kinh tế lớn sẽ tìm đâu cho lời giải cho câu hỏi “Việt Nam có hùng cường được hay không”? – Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ băn khoăn.