Vì sao các ông Hồ Văn Năm, Võ Kim Cự... được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH sau khi bị kỷ luật Đảng?

ANTD.VN - Chiều 18-10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến danh tính 9 người trong đoàn doanh nghiệp đi nhờ chuyên cơ của Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc, hay nhiều ĐBQH bị kỷ luật Đảng xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo

Liên quan đến vụ 9 người đi nhờ chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội sau đó bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc, báo chí hỏi: “Tổng Thư ký và Văn phòng Quốc hội đã có những biện pháp quán triệt, rút kinh nghiệm như thế nào để tránh trường hợp tương tự xảy ra?"

Trả lời, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây không phải những người trong thành phần "đi cùng" đoàn của Quốc hội mà đi theo diện đoàn kinh tế, thương mại sang tham dự diễn đàn về kinh tế do Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc tổ chức.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về 9 người bỏ trốn từ Hàn Quốc, chúng tôi đã cương quyết gửi văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất các đối tượng còn lại về. Bên phía Hàn Quốc phối hợp rất tốt việc này" - ông Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Nhà nước luôn luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tìm cơ hội làm ăn, hợp tác nhưng sang như thế này thì "không tốt tý nào cả".

"Về giải pháp nào thì dứt khoát lần sau không cho đi nhờ nữa" - ông Phúc nhấn mạnh.

“Vậy tại sao đến thời điểm này các cơ quan vẫn không công khai danh sách 9 người bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc?” – báo chí hỏi. Trả lời, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông không biết ai trong danh sách các thành viên trong đoàn bỏ trốn. Danh sách này do Bộ KH-ĐT quản lý.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí

Báo chí đặt câu hỏi liên quan việc xử lý trách nhiệm nêu gương của bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng ra sao khi bà này tổ chức đám cưới rình rang cho con gây bức xúc dư luận. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về việc này, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tổ chức kiểm điểm sâu sắc và nhắc nhở rút kinh nghiệm đối với bà Đào.

“Đây cũng là việc cho các đồng chí khác rút kinh nghiệm khi tổ chức đám cưới cho con em mình và cũng là bài học cho những người khác không được sử dụng xe công cho việc riêng” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tiếp tục, báo chí đặt câu hỏi, vừa qua có nhiều ĐBQH bị kỷ luật về mặt Đảng nhưng sau đó có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe và được chấp thuận, chẳng hạn như trường hợp của ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Hồ Văn Năm.

"Điều này khiến nhiền cử tri băn khoăn vì nếu cứ như vậy thì người bị kỷ luật cũng làm đơn xin thôi và được chấp thuận. Vậy Quốc hội có cơ chế nào để việc xử lý đối với các ĐBQH bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thuyết phục được cử tri hơn?" – báo chí hỏi.

Trả lời, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cả 3 ĐBQH trên đều bị kỷ luật về mặt Đảng, còn kỷ luật về hành chính, nhà nước chưa có. Trong suốt quá trình đó, các đại biểu cũng đã nhận thức, suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi. Đương nhiên xin thôi thì Quốc hội cho thôi theo đúng quy định.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đến thời điểm này, Quốc hội khóa XIV đã thực hiện miễn nhiệm đối với một số ĐBQH với 2 lý do là vì kỷ luật Đảng và do sức khỏe. Trong Luật có quy định, nếu ĐBQH có vấn đề về sức khỏe xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền cho chấp thuận việc này.

“Chẳng hạn, đối với ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, vừa rồi đã bị kỷ luật về Đảng do sai phạm trong thời gian giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai. Lúc đó ông Năm chưa làm ĐBQH. Chắc do suy nghĩ nhiều, sức khỏe suy yếu nên ông Năm làm đơn xin nghỉ do không đảm bảo sức khỏe và Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho nghỉ” – ông Phúc dẫn chứng.