Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai vẫn hụt hơi khi tự chủ toàn diện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thu không đủ bù chi, bệnh viện tự chủ toàn diện nhưng viện phí chưa được tính đúng tính đủ và giá đã lỗi thời… là những lý do khiến các bệnh viện tự chủ toàn diện đang bế tắc.
Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm việc với Bệnh viện Bạch Mai và thăm bệnh nhân đang điều trị tại đây
Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm việc với Bệnh viện Bạch Mai và thăm bệnh nhân đang điều trị tại đây

Như ANTĐ đã đưa tin, một vấn đề rất “nóng” của ngành y tế trong tuần qua là thông tin Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên.

Giao tự chủ nhưng không giao đủ quyền, điều kiện cho bệnh viện tự chủ

Năm 2019, tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15-9, Chính phủ giao thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K và Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bạch Mai.

Tuy nhiên trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế ở tuần trước, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện.

Các nguyên nhân được lãnh đạo bệnh viện chỉ ra như: ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến bệnh nhân ít hơn làm giảm nguồn thu, giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí) dẫn đến thu không đủ chi; hay không còn nguồn thu từ thiết bị, máy y tế xã hội hóa…

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề xuất Bộ Y tế xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện tại bệnh viện

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề xuất Bộ Y tế xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện tại bệnh viện

Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn cho biết, ngay cả các điều kiện cơ bản về tự chủ như tự chủ bộ máy, tự chủ về giá, nhưng trong 2 năm qua Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ đủ điều kiện làm tự chủ.

Phân tích về việc này, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan đến cơ chế tài chính.

Tự chủ là bệnh viện phải tự chi trả toàn bộ lương nhân viên, tự thu tự chi. Muốn như vậy thì buộc phải tăng thu, song với những bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá, mà giá viện phí thì hiện còn thấp, chưa được tính đúng, tính đủ.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, theo quy định thì bệnh viện tự chủ toàn diện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Hay về tổ chức bộ máy quy định Bệnh viện tự chủ toàn diện thì được thuê giám đốc nhưng giám đốc lại đang nhận lương theo thang, bảng lương của nhà nước. Điều này khác với tự chủ ở bệnh viện tư, theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, còn bệnh viện công được quản lý theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập.

Trách nhiệm của Bộ Y tế phải đánh giá, khởi xướng

Một số ý kiến khác phân tích, khi tự chủ toàn diện, các bệnh viện phải được quyền quyết định nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế.

Trong Nghị quyết 33 của Chính phủ cũng nêu rõ, khi thực hiện tự chủ, các bệnh viện được thực hiện "mô hình như doanh nghiệp", có hội đồng quản lý gồm từ 7 - 11 người. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc… có quyền thuê tổng giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện, Ban Giám đốc bệnh viện đều do Bộ Y tế bổ nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. “Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế” – ông Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh giá, sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần?

“Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích, muốn tính đúng, tính đủ viện phí thì chỉ có cách là người dân đóng góp, tăng mệnh giá mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.

Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ và phải tăng đầu tư ngân sách. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất.

“Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.