Vi phạm PCCC: Nhiều doanh nghiệp chưa biết sợ

ANTĐ - Hơn chục vụ cháy xảy ra trong những ngày đầu tháng 6-2013 cho thấy hàng loạt những sơ hở, bất cập trong công tác phòng ngừa, kiểm tra an toàn PCCC của cả chủ cơ sở và lực lượng chức năng. Vi phạm về PCCC bị phát hiện nhiều, song mức xử phạt hành chính hiện không đủ sức răn đe. 

Cháy lớn vẫn xảy ra do chế tài xử lý quá nhẹ

Bất cẩn là cháy

Hỏa hoạn xảy ra tại kho hàng thuộc Hợp tác xã vận tải - công nghiệp Động Lực (phố Lãng Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã “mở màn” cho đợt “cháy rộ” những ngày đầu tháng 6 vừa qua. Hơn chục xe chữa cháy đã được điều động đến hiện trường cứu chữa trong 3 giờ liên tục, hỏa hoạn mới được dập tắt. Tuy nhiên, với lượng chất cháy nguy hiểm ẩn chứa trong kho hàng này, một ngày sau đó, đống tro tàn tiếp tục bùng phát khiến lực lượng chức năng lần thứ 2 phải xuất xe cứu chữa. Quá trình điều tra nguyên nhân cháy, cơ quan công an xác định hàng loạt các vi phạm trong an toàn PCCC của cả chủ kho và đơn vị thuê kho. Chủ kho chỉ lo lợi nhuận đã không quan tâm, để ý tới việc ràng buộc trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người đến thuê. Nhà kho âm thầm bị “chia năm xẻ bảy”, có đơn vị thuê chất chứa hàng chục nghìn chiếc bật lửa gas thành phẩm mà không ai hay biết. Hỏa hoạn xảy ra ở 1 điểm, song đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của các doanh nghiệp thuê quanh đây.

Tiếp sau vụ cháy này, trưa 3-6, lửa tiếp tục bùng phát tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nguyên nhân cháy đang được điều tra, song nhiều khả năng hỏa hoạn xảy ra vì chủ cây xăng đã vi phạm quy trình xuất nhập hàng, vi phạm khoảng cách an toàn PCCC. Vụ hỏa hoạn này được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, quá may mắn nên mới không gây thiệt hại về người. Đám cháy lớn tiếp theo xảy ra đêm 5-6, tại khu tập thể Bộ Giáo dục và Đào tạo (phố Giảng Võ, quận Đống Đa) thiêu rụi 30 xe máy tay ga đắt tiền, trị giá hàng trăm triệu đồng, khiến 60 hộ dân khu nhà tháo chạy tán loạn. 

Hỏa hoạn liên tiếp những ngày qua về lý thuyết không có gì bất thường, khi thời tiết các tỉnh phía Bắc đang trong giai đoạn hanh khô, nắng nóng kéo dài. Song lại bất thường ở chỗ, cháy nguyên nhân do chập điện không nhiều, mà đa phần do chủ quan, bất cẩn của chủ các cơ sở, đơn vị kinh doanh. Trước vụ cháy kho hàng thuộc Hợp tác xã vận tải - công nghiệp Động Lực, cuối tháng 5-2013, lửa cũng kéo sập 1.000m2 nhà kho của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu máy và phụ tùng (28 Cổ Bi, huyện Gia Lâm) - cho Công ty cổ phần Saiko Việt Nam thuê. Hai vụ cháy kho xảy ra khi cửa ra vào đều bị khóa trái, không có người trông nom và báo cháy quá muộn. Cửa nhà kho khóa nên khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, hy vọng giảm thiểu thiệt hại do cháy là gần như không thể. 

Vẫn thiếu chế tài

Khuyến cáo, cảnh báo, kiểm tra an toàn PCCC luôn được lực lượng chức năng thường xuyên, định kỳ tổ chức song vì sao hỏa hoạn vẫn gia tăng, cháy lớn vẫn xảy ra? Cùng với yếu tố thời tiết, nguy cơ cháy nổ cao còn do chế tài xử lý trong lĩnh vực này  không đủ sức răn đe. Vi phạm về an toàn PCCC tại nhà kho, kiêm khu sản xuất của Công ty cổ phần Dệt 10-10, thuê mặt bằng trên địa bàn xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm vừa được Phòng Cảnh sát PC&CC Long Biên phát hiện vừa qua cho thấy điều đó. Tháng 5-2013, nhà kho thuộc Công ty cổ phần Dệt 10-10 đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, che lấp lối thoát nạn với mức phạt 150.000 đồng, kèm kiến nghị khắc phục ngay. Sau vụ cháy ở kho hàng Công ty cổ phần Saiko Việt Nam sát gần đó, cơ quan PCCC tiếp tục xuống kiểm tra cơ sở này, phát hiện Công ty chưa khắc phục vi phạm, hàng hóa dễ cháy chất như “núi”, bịt kín các lối thoát nạn. Với vi phạm này, Công ty cổ phần Dệt 10-10 tiếp tục bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt với tình tiết tăng nặng, nhưng kịch khung cũng chỉ phạt được 200.000 đồng. 

Có một quan điểm luôn được nhắc đến với các vi phạm PCCC, đó là những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái phạm, chậm khắc phục sẽ kiến nghị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, một thực tế diễn ra lâu nay, nhiều công ty, doanh nghiệp có tâm lý ỷ lại việc mua bảo hiểm cháy nổ, không quan tâm, phớt lờ việc chấp hành các quy định an toàn phòng cháy. Còn chính quyền cơ sở, các cơ quan ban ngành liên quan gần như “không đành” ký quyết định đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp này, bởi đồng nghĩa nguồn thu thuế của địa phương sẽ bị giảm sút. Phạt nhẹ, khó đình chỉ vi phạm, các “lỗ hổng” về PCCC do vậy vẫn tồn tại và có thể “bùng cháy” bất cứ lúc nào.