Vi phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ của ngành chăn nuôi(1): Thiếu minh bạch, chi tiêu không đúng quy định

ANTĐ - Dự án chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam (Dự án khí sinh học) được Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại với số tiền xấp xỉ 12 triệu euro. Cộng thêm vốn đối ứng của Việt Nam, vốn góp từ các địa phương, người dân, dự án có tổng vốn lên tới 46 triệu euro. Thế nhưng qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại dự án này.

Vi phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ của ngành chăn nuôi(1): Thiếu minh bạch, chi tiêu không đúng quy định ảnh 1Một hầm biogas giá trị 10-12 triệu đồng được dự án hỗ trợ 10%

Từ dự án ý nghĩa...

Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản của Dự án chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam và Cục Chăn nuôi được Bộ giao làm chủ dự án từ năm 2003 đến nay. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có 58 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam thông qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ các công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình, đồng thời phát triển một ngành khí sinh học bền vững định hướng thị trường.

Dự án mong muốn giúp các hộ nông dân xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, đồng thời sử dụng hiệu quả khí sinh học như một nguồn năng lượng rẻ tiền, dễ tiếp cận bằng cách hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas quy mô gia đình từ chất thải chăn nuôi. 

Dự án đã trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2003-2005 với số kinh phí tài trợ từ Chính phủ Hà Lan là hơn 2,232 triệu euro; năm chuyển tiếp 2006 có kinh phí viện trợ là 1,154 triệu euro. Giai đoạn 2 từ 2007-2015  có tổng kinh phí thực hiện là 42,493 triệu euro. Trong đó, vốn tài trợ của Hà Lan là 9,59 triệu euro, vốn đối ứng của Trung ương là 300.000 euro, vốn đối ứng của các địa phương là 3,3 triệu euro, vốn của các hộ dân là 28 triệu euro và vốn bán tín chỉ giảm phát thải là 1,313 triệu euro.

Trong những năm hoạt động, dự án đã hỗ trợ xây dựng hơn 146.000 hầm biogas. Về năng lực cung cấp năng lượng sạch cho nông thôn, hàng năm, nhiệt năng của các công trình khí sinh học nói trên có thể thay thế 200.000 tấn củi hoặc phế thải nông nghiệp, giúp cải thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…

...đến tự tung tự tác

Dù dự án được đánh giá là mang lại hiệu quả nhất định cho người dân nông thôn nhưng việc quản lý, sử dụng số kinh phí hàng nghìn tỷ đồng của dự án lại có nhiều mảng tối và qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều vi phạm.

Cụ thể, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2003 đến 2008, Ban quản lý dự án (QLDA) khí sinh học (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT) không sử dụng hệ thống tài khoản và mở sổ sách kế toán theo quy định của chế độ kiểm toán Việt Nam; không gửi báo cáo tài chính hàng năm cho Bộ NN&PTNT. Vì vậy, số liệu trên sổ sách kế toán của dự án không khớp và không thống nhất.

Do đó, việc xét duyệt quyết toán kinh phí hàng năm với Bộ NN&PTNT không kịp thời, phải đến tháng 6-2014, Vụ Tài chính của Bộ NN&PTT mới xét duyệt quyết toán giai đoạn 2003-2006 và giai đoạn 2007-2012. Đáng nói, Ban QLDA khí sinh học đã  lập đến 9 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để nhận và giữ tiền. Tại 9 tài khoản này, trong gần 12 năm, từ 2003-2015, đã phát sinh hơn 2,168 tỷ đồng tiền lãi, được Ban QLDA khí sinh học tự quyết định chi cho các hoạt động của dự án.

Đáng nói, từ tháng 7-2007 đến hết năm 2015, Ban QLDA khí sinh học đã không báo cáo, không trình Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định việc sử dụng tiền lãi gửi ngân hàng nguồn viện trợ của dự án; đồng thời sử dụng lãi tiền gửi ngân hàng từ nguồn viện trợ của dự án để chi cho các hoạt động của dự án khi chưa được phê duyệt của Bộ NN&PTNT. 

Giải trình về vấn đề trên, lãnh đạo Ban QLDA khí sinh học cho rằng, do dự án có nhiều nguồn tài trợ khác nhau (nguồn tài trợ của Chính phủ Hà Lan, của người dân đóng góp, của ngân sách các  tỉnh, thành phố tham gia dự án, của một số tổ chức phi Chính phủ…) nên phải mở nhiều tài khoản để sử dụng! 

Thêm vào đó, trong khi dự án tiếp nhận viện trợ chủ yếu bằng đồng euro nhưng Ban QLDA khí sinh học lại sử dụng USD để hạch toán và lập báo cáo tài chính. Qua các thời kỳ, việc sử dụng đồng USD để hạch toán đã dẫn tới lỗ do chênh lệch tỷ giá. Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, việc làm này là không đúng quy định của Chính phủ.      

       

(Còn nữa)