Vi phạm hành chính tăng chóng mặt

ANTĐ - Những con số thống kê mới nhất cho thấy, vi phạm hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện tăng rất mạnh. Đáng chú ý, tổng số trường hợp vi phạm phải xử lý là cực lớn, lên tới hàng triệu lượt/năm.

Thực tế đáng lo ngại 

Đề xuất nhiều hình thức xử phạt nghiêm khắc với hành vi đua xe trái phép

Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức hôm qua 18-4, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Nguyễn Hoàng Giáp đưa ra những con số cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gia tăng đáng lo ngại. Trong năm 2011, số vụ vi phạm được Thanh tra GT-VT xử lý tăng tới 43,51% so với năm 2010. Các hình thức vi phạm phổ biến nhất là đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm...

Chưa dừng lại ở đó, trong 3 tháng đầu năm 2012, số vụ vi phạm phải xử lý tiếp tục tăng nhanh. Cụ thể, đi quá tốc độ tăng 42%; vượt đèn đỏ tăng 54%; đi sai làn tăng 62,9%; sử dụng rượu, bia tăng... 835%, tức là hơn 8 lần! Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, chế tài xử lý một số hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe, nhất là các vi phạm trực tiếp dẫn tới ùn tắc giao thông như không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng...

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, 2 năm qua (2010 và 2011), lực lượng CSGT Thủ đô đã kiểm tra, xử lý tới hơn 1,74 triệu trường hợp vi phạm. Riêng năm 2011, số vi phạm đã hơn 900.000 trường hợp, tăng 9,2% so với năm 2010.

Đề xuất sửa đổi các quy định xử lý vi phạm hành chính, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, cần tăng nặng thêm mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Cụ thể, cần tịch thu phương tiện do người điều khiển đua xe trái phép, bất kể lứa tuổi nào, xe của ai. Ngoài ra, sẽ tước Giấy phép lái xe vĩnh viễn hoặc phạt tù nếu lái xe gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tạm giữ phương tiện vi phạm đến 10 ngày đối với một số hành vi vi phạm; tăng mức phạt tiền trong nội thành lên gấp 2 lần so với hiện nay... Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nói: “Đua xe máy ở Hà Nội mấy năm trước diễn biến rất phức tạp. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm đối với bản thân người đua xe và xã hội. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận nhiều xung quanh việc có nên tịch thu xe đua hay không. Đa số đồng ý là nên thu nhưng cũng có ý kiến chưa đồng tình. Quan điểm của tôi là phải tịch thu. Còn nếu xe đó không phải do người có hành vi đua xe sở hữu thì các bên giải quyết với nhau bằng con đường dân sự...”.

Nhiều vi phạm bị “bỏ lọt” 

Không tăng mạnh như vi phạm giao thông, gần đây, lĩnh vực trật tự xây dựng có số trường hợp vi phạm được xử lý giảm nhẹ (khoảng 13%). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tình hình vi phạm trật tự xây dựng đã bớt nóng bởi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này hiện còn một số “khoảng trống”, dẫn tới việc bỏ lọt vi phạm. Phó Chánh Thanh tra Xây dựng TP Hà Nội, ông Trần Viết Ngôn nêu ví dụ: “Vừa qua, tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) phát hiện nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng. Đây là dự án phát triển nhà ở, đã có quy hoạch 1/500 được duyệt nên thuộc diện miễn cấp phép xây dựng. Do đó, khi có vi phạm, không biết ai sẽ đứng ra tổ chức xử lý, cưỡng chế các trường hợp này vì quận và Sở Xây dựng đều không cấp phép xây dựng cho các công trình đó. Tới đây, phải sửa các quy định liên quan để có thể xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm trong khu đô thị...”. Đánh giá cao hiệu quả của các biện pháp cắt điện, cắt nước, cấm xe chở vật liệu vào công trình sai phép, không phép, ông Phó Chánh Thanh tra đề nghị nên luật hóa các biện pháp ngăn chặn này.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức), ông Bùi Văn Vận cho rằng, phải có chế tài mạnh hơn để giảm hành vi vi phạm. Tuy vậy, vị Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận: “Cắt điện, cắt nước, cấm xe hiệu quả nhưng không dễ làm. Điện do ngành điện quản lý, xã muốn cắt ngay không được. Xe cộ cũng thế, cứ ra thông báo cấm vậy thôi chứ xã cũng chưa “bắt” được xe nào...”.