Vi phạm an toàn bức xạ bị phạt tới 2 tỷ đồng

ANTĐ - Gia đình tôi ở gần một cơ sở y tế tư nhân, trong đó có một phòng chiếu, chụp X-quang. Theo tôi tìm hiểu thì khu vực để máy chụp X- quang phải có diện tích tối thiểu 14m2, các khe cửa phải được lắp những tấm cao su chì để tránh tia xạ lọt ra ngoài. Tuy nhiên, phòng chụp X- quang này được xây dựng và trang bị khá sơ sài nên nguy cơ ô nhiễm bức xạ là rất cao. Chính vì vậy, thời gian gần đây, không chỉ gia đình tôi mà những người dân sống xung quanh khu vực đều cảm thấy sức khoẻ giảm sút, đặc biệt là trẻ em và người già thường mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong trường hợp cơ sở y tế trên không đủ điều kiện hoạt động thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Người quản lý cơ sở X- quang phải thực hiện những điều kiện nào?

Phòng chụp X-quang cần được bố trí đúng quy chuẩn để tránh gây hại cho môi trường
(Ảnh minh hoạ)

Trả lời: Điều 10 Pháp lệnh An toàn bức xạ quy định người quản lý cơ sở bức xạ có trách nhiệm thực hiện việc khai báo, xin cấp các loại giấy đăng ký, các loại giấy phép theo quy định; Thực hiện đầy đủ các quy định trong giấy phép; Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, các chỉ dẫn về an toàn bức xạ cho cơ sở bức xạ theo các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ; Định kỳ kiểm kê các nguồn bức xạ và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Tổ chức theo dõi mức bức xạ tại nơi tiến hành công việc bức xạ và vùng xung quanh, kiểm soát chất thải phóng xạ, bảo đảm mức bức xạ không vượt quá giới hạn quy định…

Ngoài ra, Nghị định số 111/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Nghị định số 107/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11-2013 thì mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân sẽ là 1 tỷ đồng. Mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.

Cũng theo Nghị định này phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau 7 ngày làm việc kể từ ngày có thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, X-quang thú y; không khai báo bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin thay đổi so với hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ về tên cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép, nhân viên phụ trách an toàn, địa chỉ cơ sở, tình trạng thiết bị bức xạ sau 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm có sự thay đổi; khai báo không đầy đủ thông tin của nguồn phóng xạ theo quy định.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: Không khai báo vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; khai báo chất thải phóng xạ do hoạt động của cơ sở hạt nhân sinh ra; khai báo không đầy đủ thông tin của vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo quy định.

Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; Buộc tháo dỡ công trình xây dựng, phần công trình xây dựng không có giấy phép, không đúng giấy phép hoặc không đúng thiết kế được phê duyệt; Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp; Buộc thu hồi chứng nhận kiểm tra an toàn đã cấp... Trong trường hợp, người dân sống xung quanh khu vực bị nhiễm bức xạ chứng minh được sức khoẻ của họ bị ảnh hưởng do cơ sở đó gây ra thì chủ cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm bồi thường chi phí cho người dân trong quá trình chữa trị.