Vì một thế giới khỏe mạnh

ANTĐ - Kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững và giảm đói nghèo cũng như đảm bảo các quyền con người cơ bản của phụ nữ. 

Các bà mẹ trẻ ở Philippines hào hứng tham gia một buổi sinh hoạt 

về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản

Nhân Ngày Dân số thế giới (11-7), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để tăng số lượng phụ nữ được tiếp cận với các phương pháp về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Theo ông, đầu tư tăng cường tiếp cận phổ cập sức khỏe sinh sản là đầu tư thiết yếu cho một xã hội khỏe mạnh và tương lai bền vững hơn cũng như góp phần xây dựng một thế giới công bằng và bình đẳng.

Người đứng đầu tổ chức LHQ đưa ra lời kêu gọi trên khi các số liệu thống kê cho thấy sức khỏe sinh sản vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tật và tử vong của phụ nữ. Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), hiện có tới 222 triệu phụ nữ trên thế giới muốn tránh thai nhưng không được tiếp cận kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, trong khi khoảng 1,8 tỷ thanh niên bước vào độ tuổi sinh đẻ hàng năm không được trang bị kiến thức, kỹ năng và dịch vụ cần thiết để tự bảo vệ. 

Đáng quan ngại hơn, UNFPA cho biết số phụ nữ ở các nước đang phát triển không được tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại đã giảm từ 226 triệu người năm 2008 xuống 222 triệu người năm 2012. Ở 69 nước nghèo nhất thế giới, số phụ nữ này lại tăng từ 153 triệu người lên 162 triệu người, chiếm 73% số phụ nữ không được tiếp cận các biện pháp tránh thai ở các nước đang phát triển. 

Số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong thời gian từ năm 2008 đến 2012 trung bình 10 triệu người hàng năm, thấp hơn mức trung bình 20 triệu người mỗi năm của thời kỳ từ năm 2003 đến năm 2008. Tỷ lệ phụ nữ lập gia đình sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm ở mức 56-57%, không thay đổi trong thời kỳ từ năm 2008 đến năm 2012.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo UNFPA, là do đầu tư để cung cấp các dịch vụ tránh thai chất lượng cho tất cả phụ nữ đã giảm đáng kể. Trong khi số đầu tư cần để cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ các nước đang phát triển lên tới 8,1 tỷ USD/năm, mức đầu tư hàng năm hiện nay chỉ đạt 4 tỷ USD. 

Sự suy giảm đầu tư khiến thế giới đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu thiên niên kỷ thứ 5 về cải thiện sức khoẻ cho bà mẹ với mục tiêu giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong giai đoạn 1990-2015 và phổ cập chăm sóc sức khoẻ sinh sản vào năm 2015. Hiện vẫn có 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày do thai nghén và sinh đẻ, 21 triệu phụ nữ có thai do thiếu biện pháp kế hoạch hoá gia đình. 

Trước những con số đáng báo động, các nước phát triển cùng Quỹ Bill và Melinda Gates đã cam kết hỗ trợ 

2,6 tỷ USD phục vụ công tác kế hoạch hóa gia đình tại các quốc gia đang phát triển, tạo cơ hội cho thêm 120 triệu phụ nữ và trẻ em gái tại các quốc gia nghèo được tiếp cận và sử dụng các biện pháp tránh thai đến năm 2020. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cam kết hoàn thiện các biện pháp tránh thai có chất lượng để phụ nữ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận dễ dàng và sử dụng các sản phẩm tránh thai an toàn và hiệu quả.