Vì một nền kinh tế không tin đồn

ANTĐ - Một trong những thành tích mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo trước Quốc hội là giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, đúng hơn là giữ được giá tiền đồng Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD chỉ giao động tăng giảm không quá 1,3% theo đúng kế hoạch. Nhưng mấy ngày gần đây, thị trường ngoại tệ lại xao động một cách rất khó hiểu.

Bắt đầu là ý kiến của một chuyên gia tài chính, dĩ nhiên là ý kiến của chuyên gia thì dư luận mới quan tâm chứ ý kiến của một ông cha căng chú kiết nào đó thì chả làm rung động đến một ngọn cỏ. Và ngay sau đó như một sự hỗ trợ hay là sức ép với NHNN, một loạt ý kiến phân tích ư, cố vấn ư… theo hướng phải tăng tỷ giá ngoại tệ, phá giá đồng bạc Việt Nam. Cái lý của họ thế nào?

Thì đây, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong thời điểm này được các chuyên gia đánh giá là cần thiết, nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam giảm 1,3% giá trị trong khi đồng nội tệ của các quốc gia khác như Philippines và Malaysia đã giảm 5%, hay đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá khoảng 12% so với đồng USD tính từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9.2013 (có thời điểm, đồng rupee mất giá khoảng 20% so với đồng USD)..., dẫn đến lợi thế xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam không bằng các nước này. Nhưng không mấy ai tính là hàng xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc rất nhiều, nếu không nói là chủ yếu từ nguyên liệu và các chi tiết phụ trợ nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng giá ngoại tệ sẽ dẫn đến tăng giá hàng xuất khẩu và gần như chẳng đem lại chút lợi nào, trong khi đó chỉ có tiền lương và thu nhập của nông dân sẽ giảm thêm vào thời điểm đời sống của họ đã rất khó khăn. Có chuyên gia còn đi xa hơn: Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã khá tích cực và ổn định nên việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không tác động lớn đến cán cân thanh toán của Việt Nam, nghĩa là chúng ta có khả năng thanh toán, cứ tăng giá ngoại tệ đi, không sao. Dự trữ ngoại hối là một trong những điều kiện để đảm bảo phát triển vì nền kinh tế chúng ta đã được xếp vào loại nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, có nghĩa là phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và các vật liệu phụ trợ. Vậy mà dôi ra một chút đã lo tiêu đi thì cũng chưa phải là có cái nhìn xa.

Các doanh nghiệp hốt hoảng

Nhưng thôi, chưa nên bàn đến đúng sai của các kiến nghị này mà nên lo ngay tới các biện pháp đối phó với hậu quả của các kiến nghị dẫu nó chưa bao giờ được NHNN xem xét. Bởi ngay sau khi các chuyên gia đặt vấn đề Chính phủ có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong năm nay với mức tối đa 2%, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đã chuẩn bị kế hoạch riêng để phù hợp tình hình mới. Bởi vì thay đổi tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp. Thôi thì lo trước cũng hơn, mặc dù lo trước, chuẩn bị trước nghĩa là tốn tiền thêm một chút, trong khi tiền với doanh nghiệp hiện nay quý như máu. Ngay sau khi hạ giá đồng nội tệ, chắc chắn giá cả một số hàng hóa nhập khẩu như xăng dầu, một số hàng tiêu dùng sẽ tăng kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá. Lạm phát sẽ âm thầm tăng đủ thêm ít nhất là 2% chưa kể theo lý thuyết con lắc nó sẽ tăng quá lên nữa. Vậy thì các doanh nghiệp phải tăng thu mua nguyên liệu, ghìm giữ các hàng hóa nhập khẩu để chờ giá. Tóm lại dù chưa có chính sách nào về tỷ giá ngoại tệ, những ý kiến om sòm cũng đã tạo ra sự lo lắng, tạo ra tâm lý tăng giá rồi. Chết dở.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hốt hoảng báo tin: Các đầu mối thu mua tôm đang thông báo sẽ tăng giá bán tôm nguyên liệu vì có thể giá USD sẽ tăng. Ngó sang tỷ giá ngoại tệ trong ngày thấy vẫn có 21.075VND/USD, còn thấp hơn hôm qua. Nhưng mấy ông đầu mối cười khẩy chê doanh nghiệp không chịu đọc báo. Giá tăng đến nơi mà không biết. Đầu mối còn đe: ông mà không ký hợp đồng trước, sau nhà máy ông không có nguyên liệu đừng kêu tui.

Một doanh nghiệp đang xây nhà máy, thiết bị đã sẵn sàng, nhưng họp hội đồng quản trị, các đại cổ đông kiên quyết không đồng ý cho đi vay ngoại tệ. Vay ngoại tệ thời điểm này nhỡ cuối năm ngoại tệ tăng giá, sẽ không còn đồng lãi nào, ăn nói thế nào trước hàng triệu cổ đông với giá cổ phiếu… Mặc dù kéo dài thời gian thi công, chậm đưa nhà máy vào hoạt động sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, nhưng ở cái thời điểm tế nhị này, Tổng giám đốc đành chấp nhận. 

Đã có rất nhiều bài học đối với thị trường kiểu Việt Nam, ảnh hưởng của tin đồn là vô cùng to lớn, dĩ nhiên toàn là ảnh hưởng có hại. Trên thị trường chứng khoán, chỉ một tin đồn ông này, ông kia sắp bị bắt, vốn hóa thị trường có thể đi tong hàng tỷ USD. Vậy cho nên không biết đến bao giờ các chuyên gia mới biết cách đừng biến mình thành đầu mối tin đồn, đầu mối nguy hại đây.

Sự lo lắng của nhân dân

Có một ưu điểm của dân Việt ta là đã chán các cơn hốt hoảng. Đằng nào giá chả lên, việc gì mà rồng rắn xếp hàng, việc gì mà biến căn nhà bé nhỏ của mình thành kho hàng. Vì vậy, nhân dân, thượng đế của thị trường không có hốt hoảng, không có tăng mua sắm. Nhưng cũng có nhiều người lo lắng, lo lắng cho khoản tiết kiệm bé xíu của mình. Biến động giá nội tệ theo chiều hướng giảm giá trị, nghĩa là khoản dự trữ tiền đồng sẽ mất giá đi một chút, một số chai mồ hôi sẽ chảy phí phạm xuống cống. Vậy cũng nên xoay xở. Nhưng xoay xở cách nào?

Tính toán chi tiết có thể là như thế này: Với 220 triệu đồng tiết kiệm được nếu mang ra ngân hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7%/năm (tương đương 0,583%/tháng) thì sau 3 tháng số tiền lãi chị nhận được là 3,85 triệu đồng. Trong khi đó, nếu mang 220 triệu đồng ra mua USD với tỷ giá mua vào hiện nay sẽ được khoảng 10.400 USD (theo thị trường tự do có thể phải mua với tỷ giá 21.125 đồng/USD). Với lãi suất gửi tiết kiệm USD là 1,2%/năm (tương đương 0,1%/tháng), sau 3 tháng tiền lãi thu được là 31,2 USD. Nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá USD được điều chỉnh tăng 1% thì sẽ ở mức 21.361,5 đồng/USD, số tiền lãi thu về sẽ là 2,82 triệu đồng bởi cả tiền lãi lẫn tiền thu do giá trị USD tăng), thấp hơn giữ tiền đồng. Tuy nhiên, nếu tỷ giá USD được điều chỉnh tăng thêm 2% so với mức hiện nay thì tỷ giá sẽ là 21.573 đồng/USD và số tiền lãi ra 5,032 triệu đồng, nhiều hơn so với gửi VND. 

Dẫu không đáng là bao, nhưng những tính toán kiểu này cũng làm cho nhiều người có chút ít tiền tiết kiệm thêm nếp nhăn trên trán. Đã lác đác có người rút tiền từ ngân hàng sang mua ngoại tệ và các tụ điểm mua bán ngoại tệ như Hà Trung, Trần Nhân Tông…đã thấy dấu hiệu tấp nập hơn. Mùa Tết cổ truyền sắp đến, những dấu hiệu này cũng gây lo lắng không ít cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu sắm Tết. 

Vì một nền kinh tế không tin đồn

Tôi rất muốn đưa một khẩu hiệu như thế này ra đường phố, hoặc đưa mục đích này cho một dự án truyền thông lớn nào đó. Tin đồn đã làm hại chúng ta quá nhiều, tin đồn đã nuôi béo nhiều loại cá mập lợi dụng tin đồn gây hại cho chút ít tài sản dự trữ hoặc đầu tư nhỏ của người lao động. Tôi rất muốn có một cơ quan thông tin định hướng chính sách kịp thời trả lời về những tin đồn để nhân dân yên tâm mà lao động sản xuất. Dĩ nhiên cơ quan thông tin định hướng này phải định hướng dứt khoát, không nước đôi, kiểu như sẽ không tăng giá xăng nhưng sau 24 tiếng lại “điều chỉnh” giá xăng. Cũng xin các chuyên gia đừng có chứng tỏ khả năng dự báo bằng cách bơm ra thị trường những tin đồn nữa. Các quý vị sẽ trở thành những người đáng ghét nếu nghe theo các quý vị tài sản của họ bị mất mát…