Vì một hệ thống thương mại đa phương cởi mở hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vai trò, giá trị của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phụ thuộc vào cách mà tổ chức này đạt thỏa thuận về nhiều vấn đề tại hội nghị những người đứng đầu cơ quan thương mại các thành viên WTO.

Chưa rõ giải pháp cho nhiều thách thức thương mại

Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới lần thứ 12 (MC 12) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) từ 12 đến 15-6 được chú ý, quan tâm sâu sắc bởi diễn ra sau 2 năm bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vốn gây tổn thất nặng nề trên toàn cầu. Hội nghị là cuộc họp của cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 6-2020 tại Thủ đô Nur-Sultan (Kazakhstan), sau đó định rời lại từ ngày 30-11 đến 3-12-2021, song lại bị hoãn do dịch Covid-19.

Thời gian 4 năm qua cũng là giai đoạn mà thương mại toàn cầu có những biển động lớn, phức tạp, như cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc, tiếp sau đó là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế, căng thẳng địa chính trị quốc tế dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và nền kinh tế thế giới… Những biến động ấy càng khiến cho các quốc gia hướng trọng tâm kinh tế của mình vào bên trong, tìm cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính họ thay vì hệ thống thương mại mở mà WTO đã thiết kế.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO diễn ra trong bối cảnh có nhiều thách thức với thương mại toàn cầu

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO diễn ra trong bối cảnh có nhiều thách thức với thương mại toàn cầu

Diễn ra trong bối cảnh được cho là mấu chốt quan trọng như vậy, Hội nghị Bộ trưởng MC12 được trông đợi tìm ra cách thức ứng phó để tổ chức này chứng minh rằng, thương mại là một phần giải pháp cho nhiều thách thức lớn hiện nay, dù là sức khỏe cộng đồng hay môi trường. Trên thực tế, trong các cuộc họp kéo dài 4 ngày qua, người đứng đầu cơ quan thương mại của 146 thành viên đã thảo luận các vấn đề như miễn áp dụng TRIPS (các yếu tố liên quan thương mại trong quyền sở hữu trí tuệ) đối với vaccine ngừa Covid-19, ứng phó với đại dịch, trợ cấp thủy sản, nông nghiệp, an ninh lương thực, cũng như vấn đề cải cách WTO và các chính sách ưu tiên của tổ chức này trong tương lai. Tuy nhiên, những gì đạt được thì không phải ai cũng hài lòng.

Vấn đề mà các Bộ trưởng Thương mại tham dự MC12 tìm được tiếng nói chung nhiều nhất là trợ cấp đánh bắt cá với tổng giá trị lên tới 35,4 tỷ USD. Trong khi hầu hết các thành viên đều đồng ý rằng, cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là tài nguyên quan trọng, thiết yếu với hàng triệu người, song vẫn không thể đạt được thỏa thuận toàn diện do bế tắc trong một loạt vấn đề, bao gồm cả đề nghị áp dụng một số quy chế miễn trừ đặc biệt đối với các quốc gia nghèo nhất và các quốc gia đang phát triển.

Nội dung rất được quan tâm là việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 chưa đạt được sự đồng thuận. Trong khi nhiều nước muốn xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 để các nước đang phát triển, nước nghèo có thêm cơ hội tiếp cận vaccine công bằng với giá rẻ và nhiều thì một số quốc gia có đặt các công ty dược phẩm lớn (như Anh và Thụy Sĩ) gây trở ngại cho việc thông qua. Các quyết định hiện vẫn phải dựa trên sự đồng thuận chứ không phải theo đa số.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Ukraine đã khiến toàn cầu chia rẽ hơn trong vấn đề thương mại, gián đoạn các chuỗi cung ứng... Việc Mỹ và phương Tây ngày càng tung thêm các đòn trừng phạt nhằm cô lập Nga đã tác động nghiêm trọng tới dòng chảy nhiều hàng hóa thiết yếu mang tính sống còn với nền kinh tế như nhiên liệu và lương thực, thực phẩm…

Việt Nam sẵn sàng hợp tác để duy trì và củng cố hệ thống đa phương

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự MC12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa phương, cũng như khẳng định nỗ lực cùng chung tay ứng phó với các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Nhấn mạnh vai trò của WTO đối với thương mại quốc tế, song người đứng đầu ngành thương mại nước ta cũng cho rằng, tổ chức này vẫn còn thiếu sót và đã đến lúc WTO phải tiến hành những cải cách cơ bản nhằm duy trì và củng cố 3 trụ cột cốt lõi, đồng thời thích ứng kịp thời với những thay đổi sâu sắc và yêu cầu mới của thời đại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chưa bao giờ thế giới nhận thấy các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, môi trường, an ninh lương thực và gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên cấp bách như hiện nay. Bởi thế, Bộ trưởng Công Thương nước ta cho rằng, các thành viên WTO bắt buộc phải đối mặt với nguyên nhân gốc rễ của những thách thức này, tìm ra các giải pháp thích hợp để WTO vượt qua và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. WTO không nên tự giới hạn trong việc cung cấp một nền tảng đàm phán mà còn cần góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng thời duy trì và đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong thương mại. Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hệ thống thương mại; sẵn sàng hợp tác với các thành viên WTO trong duy trì, củng cố hệ thống đa phương; thúc đẩy thương mại, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa, nguyên liệu trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trước những thách thức mà WTO đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam đang rất coi trọng các cuộc đàm phán chính của WTO như trợ cấp thủy sản và nông nghiệp. Đồng thời cũng mong muốn các thành viên có thể tập trung vào các chủ đề cấp thiết như đảm bảo cung cấp lương thực, các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Việt Nam rất coi trọng các cuộc đàm phán chính của WTO như trợ cấp thủy sản và nông nghiệp.

Tham dự phiên thảo luận về vấn đề nóng hiện nay là thương mại và biến đổi khí hậu được tổ chức bên lề Hội nghị MC12, Bộ trưởng Công Thương nước ta đã nêu quan điểm của Việt Nam về việc cần đặc biệt lưu ý, quan tâm đến điều kiện cụ thể của mỗi nước, tránh áp dụng máy móc các tiêu chuẩn môi trường ở các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Việc thành lập một liên minh các Bộ trưởng Thương mại trong lĩnh vực khí hậu có thể là một trong những cách thức để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên. Do đó, các bộ trưởng cần tăng cường hợp tác, trao đổi thường xuyên không những trong khuôn khổ WTO mà cả ở những khuôn khổ khu vực và song phương.