Cải lương: Một thế kỷ thăng trầm (3)

Vì miếng cơm manh áo, quên giá trị kịch nghệ

ANTD.VN - Các đoàn cải lương ra đời suy cho cùng là để kiếm tiền. Kiếm tiền đương nhiên không xấu, vấn đề là kiếm tiền thế nào. Không ít đoàn hát chân chính kiếm tiền bằng nghệ thuật cải lương, trong khi đó nhiều đoàn lại coi cải lương là phương tiện. Và trong cuộc mưu sinh đã sinh ra “cải lương quá tả”.   

Vì miếng cơm manh áo, quên giá trị kịch nghệ ảnh 1Tính bi lụy là một đặc trưng của cải lương 

Tính bi lụy bị lạm dụng quá mức

Tính bi lụy là một đặc trưng của cải lương và cải lương phù hợp với tính chất này. Cải lương mà hát như chính kịch thì rất khó xem bởi các bản đờn của cải lương không có các điệu thức cho những nhân vật của chính kịch. 

Thời kỳ đầu, những vở lấy tuồng tích của hát bội cũng phải sửa sang, biến tấu cho phù hợp với cải lương, tính hùng, tính trung quân bị làm nhẹ, thay vào đó là mềm mại và trữ tình. Trước năm 1954, sân khấu cải lương cũng khai thác tính bi lụy, thế nhưng cải lương giai đoạn 1954-1975 thì bi lụy bị khai thác quá mức. 

Trong bài báo trên Kịch ảnh (số Tết Giáp Thìn 1964), ký giả Sĩ Trung viết: “Vì miếng cơm manh áo, các gánh lớn cũng đều nhằm vào cái giá trị ăn khách hơn giá trị kịch nghệ. Tuồng nào soạn giả cũng dựng nên mối tình tay ba giữa hai chàng một nàng hoặc hai nàng một chàng, giành giật chém nhau gay cấn lâm ly về mặt tình ái. Nếu không thế thì phải lái ái tình ngang trái là một trai bản xứ với gái nước ngoài hoặc ngược lại. Người ta có cảm giác rằng các soạn giả xa rời hiện thực tạm quên giá trị kịch nghệ và vai trò dẫn đạo trình độ cảm quan khán giả. Tất cả buông trôi cảm hứng sáng tác theo dòng cảm quan thấp lè tè của lớp khán giả bình dân hoặc để chiều theo chủ gánh hoặc để ăn khách, một thứ ăn khách làm thụt lùi trình độ kịch nghệ. Các soạn giả lớn dù biết được chuyện đó, dù đau khổ trước hiện tượng đáng buồn đó cũng phải chạy theo viết để sống và hành nghề. Người ta cứ đổ thừa cho hoàn cảnh cho trình độ quá thấp của khán giả bình dân để  chôn vùi tên tuổi”.

Cải lương hài và gái giả trai, trai giả gái

Cải lương diễn thiên về hài cũng không ổn bởi bên cạnh giọng xuân lại có cả giọng ai nên chỉ có thể xen vào những lớp hài phù hợp với hoàn cảnh và tình huống trong vở. 

Từ giữa năm 1964, tâm lý khán giả có sự thay đổi, họ thích cười hơn và không muốn khi ra khỏi rạp phải suy nghĩ nhiều. Nắm bắt tâm lý này, các soạn giả đã cho ra các soạn phẩm có tính hài hước mà tiên phong là đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Vở đầu tiên “Vàng sáu bạc mười” thu hút rất đông khán giả, thừa thắng xốc tới  Thanh Minh - Thanh Nga dựng tiếp “Hoa Mộc lan” và “Tình nở Đào hoa thôn”. 

“Tình nở Đào hoa thôn” phỏng theo phim “Tình nở hoa đào” của Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng thực ra, hai soạn giả Ngọc Huyền Lan và Viễn Châu đã soạn  theo cách riêng, bắt đúng mạch tâm lý khán giả. Rút kinh nghiệm từ “Hoa Mộc lan”, hai soạn giả đã khai thác triệt để mọi tình huống gây cười. Hầu hết các vai chính trong vở không ít thì nhiều mang sẵn tính  hài hước. Chẳng hạn trai giả gái, gái giả trai lấy vợ lấy chồng lầm lẫn lung tung.  

Tuy nhiên kiểu gái giả trai, trai giả gái xuất phát từ vai Lang Ba trong phim “Hoa Mộc lan”. Trong “Tình nở Đào hoa thôn”, hai vai chính là tướng cướp với tính cách tàn bạo, dữ dội song các soạn giả cũng xây dựng thành hai  nhân vật khiến khán giả cười nghiêng ngả. Các đoàn thấy loại này ăn khách cũng đua nhau dựng.

Vì miếng cơm manh áo, quên giá trị kịch nghệ ảnh 2

“Sân khấu làm ngay”

Trước  thực trạng lộn xộn, bát nháo của sân khấu cải lương, Việt Phương đã làm bài thơ “Sân khấu làm ngay” đăng trên Kịch ảnh (số ngày 12-9-1957).

“Đi xem sân khấu cải lương

Chỗ nào cũng chỉ thấy tuồng đánh nhau

Toàn là vở cũ từ lâu

Mạ đi chút xíu bịp nhau lấy tiền…”

Bài thơ  của Việt Phương không chỉ đúng với giai đoạn đó mà nó cũng rất đúng với giai đoạn sau này của sân  khấu cải lương. Cũng vì cải lương kiếm sống nên giữa các đoàn luôn diễn ra tình trạng mua bán đào kép, quỵt tiền diễn viên, cờ bạc hút sách ngay sau cánh gà và ông “bầu”. 

Ông “bầu” Bẩy Cao của gánh Hoa Sen còn tự hủy hợp đồng với diễn viên và công nhân. Trong cuộc gặp gỡ với nhà văn Sơn Nam năm 1990, ông nói thẳng rằng “Nếu miền Nam không giải phóng thì cải lương không biết là  cháo hay cơm nhão”.

Cũng vì cải lương kiếm sống nên giữa các đoàn luôn diễn ra tình trạng mua bán đào kép, quỵt tiền diễn viên, cờ bạc hút sách ngay sau cánh gà và ông “bầu”. 

(Còn nữa)