Ví điện tử vẫn bị "móc" như thường

ANTĐ - Với nhiều ưu điểm dành cho người sử dụng như không cần mang theo tiền mặt, tiết kiệm thời gian thanh toán, chuyển và rút tiền từ tài khoản ngân hàng thuận tiện, ví điện tử thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người. Tuy vậy, loại hình dịch vụ hiện đại này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi mua hàng trực tuyến, tránh để lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, ví điện tử


Vô số tiện ích

Về bản chất, ví điện tử là một tài khoản điện tử nhằm thực hiện việc thanh toán các khoản phí, gửi và chuyển tiền qua mạng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Muốn sở hữu loại ví công nghệ cao này, người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản ví điện tử qua website của nhà cung cấp dịch vụ, sau đó nạp tiền vào ví từ tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ ATM, thẻ trả trước...

Người sử dụng ví điện tử có thể nạp tiền, chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của nhà cung cấp, chuyển tiền từ tài khoản của nhà cung cấp ra tài khoản ngân hàng, thanh toán các hàng hoá, dịch vụ trực tuyến như các hóa đơn điện nước, nạp tiền điện thoại, mua hàng trên mạng… Bên cạnh đó, ví điện tử còn có chức năng truy vấn, quản lý các giao dịch phát sinh, kiểm soát việc chi tiêu.

Với những tiện ích nêu trên, số người đăng ký sử dụng dịch vụ ví điện tử ngày càng nhiều. Anh Trần Mạnh Hoàng (ở khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, do có con trai đang học tại thành phố Hồ Chí Minh nên để thuận tiện trong việc gửi tiền hàng tháng, anh Hoàng đã mở cho con một tài khoản ví điện tử.

Anh Hoàng cho biết, sử dụng ví điện tử giúp anh chuyển tiền nhanh chóng, đồng thời kiểm soát được việc chi tiêu của con mình. Có thể nói, ví điện tử ra đời góp phần phát triển hệ thống kinh doanh thương mại điện tử, giúp người mua thực hiện nhanh chóng công việc thanh toán, người bán tăng hiệu quả hoạt động bán hàng trực tuyến.

Thông thường, mỗi ví điện tử cá nhân gắn liền với một số điện thoại di động. Để mua hàng hóa, dịch vụ trên website của các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán ví điện tử, khách hàng chỉ cần thực hiện đăng ký ví điện tử cá nhân và nạp tiền cho ví. Do việc mua hàng qua mạng thường được ưu đãi hơn so với mua hàng trực tiếp nên ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến. 

Mất tiền do lộ thông tin

Anh Trần Mạnh Hoàng cho biết, cùng với sự tiện ích, điều khiến anh Hoàng băn khoăn nhất là tính bảo mật của dịch vụ ví điện tử cho mỗi lần thanh toán. Bên cạnh đó, do hầu hết các loại ví điện tử trên thị trường không liên thông với nhau, một số loại ví chỉ được tích hợp trên một vài loại sim di động nhất định nên gây bất tiện cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, mặc dù theo các nhà cung cấp, mã bảo mật của ví điện tử có cơ chế nhập sai 3 lần sẽ bị đóng tài khoản. Các thông tin về tài khoản ví chạy trên hệ thống tin nhắn SMS là một hệ thống đóng, lại được mã hóa nên đảm bảo tính bảo mật cao nhất cho người dùng.

Song theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhằm phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản từ ví điện tử, tài khoản ngân hàng, mỗi cá nhân không cho người khác mượn, sử dụng tài khoản của mình, không nên lưu giữ mật khẩu trên các thiết bị di động, máy tính. Sau khi sử dụng tài khoản ví điện tử để thanh toán, cần đăng xuất ra ngay. 

Trong trường hợp tài khoản bị lộ, người dùng có thể bị đánh cắp tiền trong tài khoản, ví điện tử. Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao - CATP Hà Nội đã bàn giao hồ sơ và đối tượng Lê Xuân Thuyết (SN 1993) ở Từ Sơn, Bắc Ninh cho Công an tỉnh Bắc Ninh để khởi tố về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, vào tháng 3-2016, Thuyết đã sử dụng công cụ truy cập trái phép vào tài khoản Facebook của một số bạn bè trên mạng xã hội. Qua đó, khi phát hiện một tài khoản Facebook có trao đổi công việc với anh N.H.Q (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), Thuyết đã sử dụng thông tin trên để đăng nhập vào email của anh Q. Thấy anh Q dùng email để đăng ký tài khoản ví điện tử tại cổng thanh toán B.K, Thuyết đã thay đổi mật khẩu email và số điện thoại nhận mã OTP từ B.K của anh Q, thực hiện 3 giao dịch, chiếm đoạt trên 11 triệu đồng.

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV, dù ví điện tử có cơ chế đảm bảo để tránh lừa đảo, đánh cắp, nhưng thủ tục khiếu nại, xử lý thường không đơn giản và mất nhiều thời gian để xác minh. Để đảm bảo an toàn, người sử dụng ví điện tử tuyệt đối không chia sẻ tài khoản ngân hàng, ví điện tử với người khác; không nên dùng chung một tài khoản cho các dịch vụ khác nhau.

Bên cạnh đó, cần cài đặt phần mềm phòng chống virus thường trực trên máy tính cũng như điện thoại di động để tránh lộ lọt thông tin quan trọng như tài khoản Facebook, tài khoản ví điện tử, ngân hàng… Các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử cũng cần thực hiện rà soát quy trình cung cấp dịch vụ, kiểm tra an ninh các phần mềm ví điện tử để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng.