Vì bình yên cuộc sống trên các buôn làng Tây Nguyên

ANTĐ - Hơn 30 năm công tác trong ngành Công an thì cũng là chừng ấy thời gian, Thượng tá Lê Hữu Lành, Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông gắn bó với các buôn làng Tây Nguyên. 
Khi được hỏi, ông không thể nhớ nổi mình và đồng đội đã trải qua bao nhiêu trận đánh, bóc gỡ bao nhiêu nhóm phản động Fulro. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần một tổ chức Fulro bị bóc gỡ thì những buôn làng trên cao nguyên đất đỏ lại thêm phần yên vui, no ấm, còn đối với Thượng tá Lê Hữu Lành thì đó như là phần thưởng, niềm động viên to lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Những trận truy quét Fulro không thể nào quên

Sau nhiều lần hẹn, một ngày đầu tháng 7-2014 chúng tôi mới có dịp gặp Thượng tá Lê Hữu Lành khi ông vừa từ các buôn làng trở về. Bên chén trà nóng, Thượng tá Lành kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian ông và đồng đội tham gia truy quét các nhóm Fulro vũ trang trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 1979-1992. Nhớ lại thời kỳ oanh liệt ấy, khi đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, đồng bào cả nước hăm hở bắt tay vào công việc xây dựng cuộc sống mới thì trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, lực lượng Fulro được các thế lực thù địch “hà hơi, tiếp sức” nổi dậy chống lại chính quyền, đàn áp, khủng bố nhân dân. Là một chiến sỹ Công an, Thượng tá Lê Hữu Lành lúc đó cũng như bao nhiêu người lính khác không thể cầm lòng trước cảnh đồng bào ngày đêm bị bọn phản động Fulro nổi dậy tàn phá buôn làng, nương rẫy. Trong giai đoạn này, ông và đồng đội đã tổ chức hàng trăm cuộc truy quét, tiêu diệt, bắt sống rất nhiều tên sỹ quan chỉ huy cấp cao trong tổ chức Fulro.

Vì bình yên cuộc sống trên các buôn làng Tây Nguyên ảnh 1
Thượng tá Lành thường xuyên trò chuyện với bà con các buôn làng

Còn nhớ vào một buổi chiều tháng 4-1984, từ nguồn tin của quần chúng cho biết, toán Fulro của tên đại úy Y Ba đang tổ chức cướp phá tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Ngay lập tức tổ công tác do đồng chí Lê Hữu Lành làm tổ trưởng nhanh chóng tới hiện trường tổ chức đánh chặn, cứu nguy cho buôn làng. Sau trận đấu súng nghẹt thở, ta tiêu diệt được 5 tên Fulro cộm cán, thu giữ 5 khẩu AR15 và 1 khẩu M79. Tên đại úy Y Ba bị thương bỏ chạy vào rừng, quân ta tổ chức truy đuổi đến sáng hôm sau thì bắt được khi hắn đang bò ra một đầm lầy để tìm nước uống. Lòng căm thù đối với kẻ từng gây ra không biết bao tai họa cho buôn làng trỗi dậy, không ít người lúc đó đòi "xử" Y Ba ngay tức khắc nhưng Thượng tá Lê Hữu Lành đã ngăn lại, bởi theo ông Y Ba dù có hung hăn, tàn bạo đến bao nhiêu thì suy cho cùng hắn cũng chỉ là con rối cho các đối tượng khác giật dây, dù sao cũng nên chừa cho hắn một con đường sống... Chính nhờ sự nhân hậu của ông mà sau này, Y Ba khi đã đầu hàng, trở về với buôn làng, mỗi khi nhắc tới cán bộ Lành thì đôi mắt hắn lại rưng rưng trào lên một niềm biết ơn vô hạn.
Vì bình yên trên các buôn làng Tây nguyên

Năm 1992 khi những toán Fulro vũ trang cuối cùng trên địa bàn Tây Nguyên bị tiêu diệt, những tưởng rồi đây cuộc sống của đồng bào sẽ yên vui, no ấm. Nhưng kẻ thù vẫn chưa chịu buông tay. Một số đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đã ráo riết chuẩn bị các kế hoạch thù địch, chống phá Việt Nam, âm mưu chia cắt Tây Nguyên với cả nước. Chúng tiếp tục câu móc, xúi giục bà con biểu tình, gây bạo loạn đòi thành lập cái gọi là Nhà nước Đề - ga tự trị. Lời độc lan xa, không ít người nhẹ dạ cả tin đã nghe theo, bán nhà, bỏ nương bỏ rẫy tổ chức biểu tình chống đối chính quyền rồi sau đó vượt biên sang nước ngoài. Làm thế nào để sớm ổn định tình hình, giúp bà con hiểu rõ thực chất cái gọi là Nhà nước Đê - ga và những điều bịa đặt mà bọn xấu từng reo rắc?

Vì bình yên cuộc sống trên các buôn làng Tây Nguyên ảnh 2
Thượng tá Lê Hữu Lành (bên phải) vận động bà con ở các buôn làng
biên giới tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ


Nếu trước đây, họ cầm súng để chiến đấu thì ngày nay, chỉ có thể dùng trí chứ không thể dùng lực. Thượng tá Lê Hữu Lành và đồng đội hiểu rằng, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ lạc hậu, thông tin hạn chế nên dễ bị lừa bịp, vì vậy cần phải xác định đâu là đối tượng cầm đầu, đâu là đối tượng bị lợi dụng để phân hóa, giúp họ hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông đã trực tiếp cùng đồng đội xuống cơ sở để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào, qua đó nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đôi chân của ông deo dai như con thú hoang, đi từ buôn làng này đến buôn làng khác, đến từng nhà, gặp từng người để nói cho họ nghe cái đúng, cái sai và vạch trần dã tâm đen tối của kẻ xấu. Cũng chính ông là người chỉ đạo thực hiện hàng chục kế hoạch bóc gỡ các đối tượng cốt cán, phá rã các khung tổ chức Fulro mới, tham gia nhiều kế hoạch nghiệp vụ phối hợp vận động và tiếp nhận đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông hồi hương từ những trại tạm cư ở bên kia biên giới.
Đối với Y Thớt, Y Hết Mghi, Y Nghen (ở huyện Đắk Mil) hay H’Thủy (ở huyện Chư Jút), Giàng A Chống (ở huyện Đắk G’long) thì Thượng tá Lê Hữu Lành vừa là một cán bộ Công an, vừa lại là một người bạn, một người anh chí tình. Họ là những người một thời nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu để rồi trờ thành con rối cho các đối tượng giật dây, quay lưng chống phá đồng bào. Chính Lê Hữu Lành là người trực tiếp tham gia chuyên án truy bắt họ và cũng chính ông vượt đường xa hàng trăm cây số mang cho họ từng bao gạo, từng cân cá khô, bịch muối để họ làm lại từ đầu sau thời gian dài vượt biên, tiến hành các hoạt động chống phá và trờ về buôn làng với hai bàn tay trắng. Chính họ giờ đây là người hiểu hơn ai hết lòng dạ gian xảo của những kẻ phản động, lừa phỉnh bà con bằng một viễn cảnh xa lạ nơi miền đất hứa.

Còn đối với đồng đội thì Thượng tá Lê Hữu Lành lại vừa là một lãnh đạo nhiệt huyết, vừa là một người thầy bởi trong 30 năm kể từ khi đứng chân trong hàng ngũ lực lượng công an thì cũng là chừng ấy năm ông gắn bó với nhiệm vụ phòng chống Fulro, đảm bảo an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh nghiệm mà ông tích lũy được là một “kho sách nghiệp vụ sống” đối với rất nhiều cán bộ trẻ về tuổi đời, non về tuổi nghề trong đon vị.

Đồng đội học được ở ông cái chân chất, giản dị của một người đồng bào khi về cơ sở, thực hiện “bốn cùng” với bà con  và cái bản lĩnh rắn rỏi, cương nghị của một chiến sỹ an ninh khi trực diện đấu tranh với các thế lực phản động. Đại úy Lê Trúc Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc chia sẻ “ Đồng chí Lành được xem là người anh cả trong đơn vị, dù nhiệm vụ có khó khăn gian khổ như thế nào thì đồng chí cũng cùng anh em cố gắng vượt qua, với mục đích chung là diệt trừ cái ác, cái xấu bảo vệ sự bình yên cho buôn làng”.

Đã 30 năm trôi qua, người chiến sỹ An ninh ngày nào bây giờ đã là Thượng tá Lê Hữu Lành, Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh. Trong cả một chặng đường dài đấu tranh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ Quốc, ông đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cũng như chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều huân, huy chương cũng như những danh hiệu cao quý khác. Ông tâm niệm “đã là người chiến sỹ an ninh thì cho dù có khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đến bao nhiêu cũng phải lấy sự bình yên của bà con nhân dân, sự tồn vong của chế độ làm tôn chỉ và mục đích sống của mình”.