Vết trượt của nữ cử nhân tìm người ở ghép để trộm cắp lấy tiền "bao" tình nhân

ANTD.VN - Xuất thân từ một vùng quê nông thôn, nhưng bước chân lên chốn đô thị phồn hoa theo học một trường đại học ở Hà Nội, Thanh Thư bị choáng ngợp mọi thứ và nhanh chân sa vào con đường tội lỗi…  

Đối tượng Phạm Thị Thanh Thư tại cơ quan Công an

Ngày 24/9, CAP Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đang tạm giữ hình sự Phạm Thị Thanh Thư (SN 1993, quê Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về hành vi trộm cắp tài sản.

Nữ sinh biến chất

Mặc dù đang còn là sinh viên, nhưng Thư đã “sở hữu” 1 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Dù được cơ quan tố tụng tạo điều kiện để có thể tốt nghiệp đại học, nhưng không nhận thức được những giá trị đó, không thấy sai phạm của mình để làm bài học, mà sau khi tốt nghiệp, đi làm thuê một thời gian, Thư nghỉ việc lao theo vết xe đổ...

Theo chỉ huy CAP Láng Thượng cho biết, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, tập trung đấu tranh mạnh các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản trên địa bàn, ngày 23/9/2019, CAP Láng Thượng đã phát hiện, bắt giữ Phạm Thị Thanh Thư để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.

Tại cơ quan công an, Phạm Thị Thanh Thư khai nhận đã dùng thủ đoạn lập nick ảo, rồi lên mạng xã hội (facebook), vào những trang tìm người ở ghép nhắn tin, liên lạc với những người có nhu cầu ở ghép để làm quen và mời họ đến ở chung.

Thực chất, Thư làm quen, mời đến ở ghép với mục đích lợi dụng sự sơ hở của người ở cùng để trộm cắp tài sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản chủ yếu là xe máy, điện thoại, máy tính xách tay của người ở cùng, rồi đem đi bán, cầm cố lấy tiền ăn tiêu.

Điển hình, ngày 2/6/2019, với thủ đoạn tìm người ở ghép, Thư đến ở cùng một người tên Trần Thanh T, ở ngõ 1.194 - đường Láng, phường Láng Thượng, rồi sau đó trộm cắp được chiếc xe máy nhãn hiệu Vision và 1 điện thoại iPhone 7Plus của người này...

Mở rộng điều tra, ngoài vụ trộm cắp nêu trên, Thư cũng khai nhận trước khi bị bắt, đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp tài sản khác. Cụ thể, ngày 17/9/2019, đối tượng đến ở ghép cùng một người khác tại ngõ 159, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, rồi trộm cắp 1 xe máy nhãn hiệu Vision, 1 máy tính xách tay hiệu Asus.

Tiếp đến ngày 4/7/2019, đối tượng đến ở ghép với một người khác tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, rồi trộm cắp được 1 xe máy nhãn hiệu Vision, 1 ví bên trong có 1,8 triệu đồng...

Trượt dài tội lỗi

Tương tự, cũng bằng thủ đoạn trên, ngày 14/7/2019, đối tượng tìm đến ở ghép tại nhà trọ trong ngõ 129, phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, rồi trộm cắp được chiếc xe máy nhãn hiệu Attila, 1 máy tính xách tay nhãn hiệu Dell và ngày 4/8/2019, Thư tiếp tục đến ở ghép tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, rồi trộm cắp chiếc xe máy Honda Air Blade, 1 máy tính nhãn hiệu HP cùng chiếc ví bên trong có 500 nghìn đồng...

Tại cơ quan Công an, quá trình khai lại hành trình phạm tội của mình, với thân hình khá mảnh mai và chiếc kính cận trên khuôn mặt khá trẻ trung, xinh xắn, ít ai nghĩ rằng, một cô gái mảnh dẻ, tri thức như Thư lại là đối tượng trộm cắp có nghề.

Không cảm xúc và trả lời khá bình thản, Thư kể về vết trượt của mình trong những tháng ngày vừa bước chân từ Thái Bình lên Hà Nội và sau những cuộc hoan lạc, Thư không thể quay đầu lại để nhìn thấy đâu là bờ.

Vốn xuất thân từ một nữ sinh vùng quê, gia đình Thư chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, bố mẹ cô đều làm ruộng, những ngày rảnh rang thì đi tìm việc làm thuê theo thời vụ. Nhà Thư có 2 chị em, Thư là con gái lớn, sau Thư còn một người em trai hiện cũng đang theo học một trường đại học ở Hà Nội.

Năm 2011, nhận được giấy báo đỗ đại học, Thư và gia đình hết sức vui mừng và hãnh diện với hàng xóm. Từ khi rời xa bố mẹ, gia đình lên Thủ đô học tập, mỗi tháng, bố mẹ Thư cố gắng chắt chiu gửi cho con gái đều đặn một khoản tiền 2 triệu đồng. Còn vài trăm nghìn đồng xin thêm gia đình hàng tuần, Thư nhận đều như vắt chanh. Ấy thế mà vẫn không đủ tiền cho nữ sinh này chi tiêu hàng tháng.

Chỉ sau vài tháng của năm đầu đại học ở chung phòng với cô bạn cùng quê, không thể chịu nổi tính ăn tiêu phung phí của Thư, hai người đã phải chia tay. Cũng từ đó, vết trượt của Thư cứ thế xa dần vòng tay và sự giáo dục của gia đình, bạn bè, thầy cô.

Để có tiền ăn chơi, Thư bắt đầu nghĩ ra tìm người ở ghép để trộm cắp tài sản. Phi vụ đầu đời của nữ sinh này vào năm cuối đại học - 2013, Thư đến phòng trọ của bạn thân cùng quê trộm cắp được 3 chiếc máy tính xách tay rồi đem bán và cầm cố...

Một số xe máy Thư trộm cắp đã được cơ quan Công an thu hồi

Ngay sau đó, Thư bị bắt, nương tình Thư hiện đang là năm cuối đại học, nên TAND quận Hoàng Mai chỉ xử phạt Thư 6 tháng tù, cho hưởng án treo và không thông báo về nơi Thư đang theo học. Do vậy, năm 2014, Thư đã trở thành cử nhân của một trường đại học và trên mình vấy bùn khi phải mang theo 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Tốt nghiệp đại học, Thư lang thang xin việc hết chỗ này đến chỗ nọ. Đi theo tiếng gọi của tình yêu, Thư sống lang thang vất vưởng cùng một người bạn trai mà Thư quen ngoài xã hội, quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Đáng nói, bạn trai Thư cũng chẳng hơn gì, là người không nghề nghiệp, ham lô - đề cờ bạc nên cả hai dắt díu nhau đi tìm hạnh phúc viển vông, sống bằng những đồng tiền kiếm được không lấy gì làm “sạch sẽ".

Đến năm 2017, Phạm Thị Thanh Thư lại dính vào vòng lao lý khi trộm cắp chiếc xe máy Honda Vision của một người qua hình thức... ở ghép.

Lần này, Thư bị TAND quận Nam Từ Liêm tuyên phạt 18 tháng tù giam. Hết hạn tù, Thư đi làm thuê cho một cửa hàng bán quần áo trên phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, nhưng chỉ được vài tháng thì đã xin nghỉ vì dính líu đến nợ nần...

Quá khứ tội lỗi, tương lai viển vông

Theo Thư, dù mang tiếng là có bạn trai nhưng khi bị bắt giữ, cải tạo, bạn trai của Thư chẳng hề đoái hoài gì. Đến khi ra tù, không  hiểu sao gã bạn trai lại tìm đến Thư. Cũng chính vì tính ham chơi lô - đề, đánh bạc qua mạng của anh ta đã khiến cho Thư phải dấn thân vào tội lỗi, đi trộm cắp mang tiền về cung phụng người tình.

Đầu tiên là các giấy tờ như: hộ khẩu, xe máy, bằng đại học… Thư mang đi cầm cố được 30 triệu đồng để đưa cho bạn trai trả nợ. Khi không còn gì, Thư trực tiếp đi trộm cắp tài sản lấy tiền trả nợ và ăn tiêu.

Ngồi tại cơ quan Công an, Thư cũng chẳng thấy mặt mũi anh ta đâu, dù chỉ đến để tiếp tế cho một cái bánh mì,  hay chai nước, thậm chí chỉ cần anh ta có mặt để Thư biết rằng bên ngoài vẫn còn có người nghĩ đến mình.

Thế nhưng, tất cả chỉ là quá khứ tội lỗi và tương lai viển vông cho một cuộc tình tội lỗi, bởi vết trượt dài.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Trưởng CAP Láng Thượng cho biết, tình trạng trộm cắp tài sản qua việc tìm người ở ghép với nhau không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, trước thời đại công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội việc tìm kiếm thông tin và liên lạc với nhau khá đơn giản. Chính vì thế, tội phạm cũng rất dễ phát sinh.

“Quay trở lại với thủ đoạn trộm cắp thông qua việc tìm người ở ghép cho thấy, hiện nay tinh thần nâng cao cảnh giác ở một số bộ phận người dân vẫn còn chưa cao, không chỉ với những người lao động phổ thông mà thậm chí ngay cả những sinh viên, người đi làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi cần người ở ghép chỉ cần liên hệ rồi đến ở với nhau rất đơn giản. Bởi họ suy nghĩ cũng rất đơn giản, là sinh viên hay người đi làm dễ… thông cảm cho nhau.

Chính vì sự thờ ơ này khiến cho tình trạng tội phạm dễ xảy ra. Có những vụ, người ở trọ tìm đến ở ghép với nhau chỉ có vài giờ đồng hồ đã gây án, nhiều thì 2-3 ngày.

Do vậy, nếu những người có nhu cầu ở ghép, tìm người ở ghép khi đồng ý ở ghép phải tuân thủ các quy định của pháp luật, yêu cầu họ có những giấy tờ tùy thân, lý lịch và phải khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định. Từ đó mới tránh được tình trạng tội phạm xảy ra”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.

Liên quan đến vụ án trên, CAP Láng Thượng thông báo, ai là bị hại của đối tượng Phạm Thị Thanh Thư, đề nghị đến CAP Láng Thượng hoặc CAQ Đống Đa, Hà Nội để được giải quyết.