Vệt sáng của tên lửa Nga khiến nhiều người Mỹ tưởng là mưa sao băng

ANTĐ - Một vệt sáng được phát hiện trải dài trên bầu trời nước Mỹ, từ California đến Nevada, vào tối 22-12 cuối cùng đã được xác định là mảnh vỡ từ một tên lửa của Nga, chứ không phải là một thiên thạch như nhiều nhà chiêm tinh nghĩ ban đầu.

Vệt sáng này đã kéo dài khoảng 10 phút, khiến nhiều người Mỹ đăng tải trên các trang mạng xã hội rằng họ đã trông thấy một vệt sáng lạ. Những người quan sát nói rằng vệt sáng trông giống như một quả cầu lửa với các mảnh vỡ rơi xuống từ đó khi nó bay trên bầu trời vào khoảng 6h00 tối cùng ngày.

Các mảnh vỡ đã được miêu tả như là một ngôi sao chổi với một cái đuôi dài, khiến nhiều người nghĩ rằng nó là một phần của một trận mưa sao băng Ursid, trong khi những người khác lại tin rằng đó là một UFO (vật thể lạ không xác định).

Vệt sáng xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ hôm 22-12

Những nơi quan sát thấy vệt sáng phát ra từ mảnh vỡ tên lửa trên gồm Indio, Thung lũng Tử thần, Santa Barbara, Ventura, Corona, Irvine và Las Vegas, trước khi nó đi vào khí quyển trên bầu trời bang Arizona và cháy hết, hãng thông tấn CBS của Mỹ đưa tin.

NASA được cho là đã nhận được rất nhiều cuộc gọi về quả cầu lửa bí ẩn này khiến Phòng thí nghiệm động cơ đẩy phản lực và Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ phải quyết định điều tra.

Cuối buổi tối cùng ngày, Bộ Tư lệnh chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo rằng, họ đã xác định được vệt sáng bí ẩn đó là một mảnh thân của tên lửa SL-4 của Nga, bốc cháy khi trở về bầu khí quyển trên bầu trời bắc Mỹ, gần Arizona.

Hóa ra, đây là mảnh vỡ của quả tên lửa đẩy Soyuz mà Nga đã phóng lên vũ trụ trước đó một ngày, mang theo tàu vũ trụ Tiến bộ chở hàng tiếp tế lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).