Vết dầu loang

ANTĐ - Nội chiến ở Syria tiếp tục lan sang nước láng giềng Lebanon khi 7 ngày liên tiếp, những người Lebanon ủng hộ và phản đối Tổng thống Bashar al-Assad của Syria đã xung đột bạo lực làm ít nhất 16 người thiệt mạng và 80 người bị thương.

Một vụ đánh bom do mâu thuẫn giữa người Shiite và Sunni ở thành phố Tripoli của Lebanon

Theo tờ Nhật báo Ngôi sao của Lebanon, xung đột đã xảy ra tại thành phố Tripoli ven biển phía bắc Lebanon giữa những người Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ phe đối lập ở Syria và người Hồi giáo dòng Shiite (người Lebanon gọi là Alawite) ủng hộ Tổng thống al-Assad của Syria. Thành phố Tripoli được xem là “thủ phủ của người Sunni” và cũng là nơi khởi phát làn sóng bạo lực giữa hai nhóm Hồi giáo này.

Đây không phải lần đầu tiên Lebanon hứng chịu hậu quả từ cuộc nội chiến ở Syria. Kể từ khi Syria rơi vào hỗn loạn, rất nhiều lần đạn pháo từ Syria được bắn sang Lebanon. Lúc đầu do đạn lạc nhưng sau thì đó là hành động trả đũa của phe nổi dậy Syria nhằm trừng phạt lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã gửi chiến binh sang Syria hậu thuẫn cho Tổng thống al-Assad.

Được coi là phong trào mạnh nhất ở Lebanon, Hezbollah là một nhóm quân sự hùng hậu với sự hậu thuẫn của Syria và Iran. Trong quá khứ, Syria từng duy trì quân đội trên đất Lebanon suốt 30 năm để bảo đảm an ninh cho nước này trước mối đe dọa thường trực từ Israel. Do đó, Syria có ảnh hưởng đáng kể đối với Lebanon và phong trào Hezbollah. Điều đó giải thích tại sao khi chính quyền của ông al-Assad khó khăn, Hezbollah đã cử hàng nghìn tay súng thiện chiến sang trợ giúp và chính lực lượng này đã giúp ông al-Assad xoay chuyển tình thế, giành ưu thế trên chiến trường.

Tuy nhiên, sự can dự của Hezbollah ở Syria đã làm nội bộ Lebanon vốn đã chia rẽ lại càng mâu thuẫn thêm, bởi ngoài quan hệ truyền thống giữa lực lượng này với chính quyền Syria còn có yếu tố tôn giáo. Ai cũng biết đa số thành viên nội các Lebanon cũng như chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad là người Shiite nên thường có mối liên kết ngầm chặt chẽ với nhau. Sự ràng buộc này chỉ hiện rõ khi Hezbollah can dự vào cuộc chiến ở Syria. 

Trong khi đó phe nổi dậy Syria với đa số là người Sunni lại nhận được sự hậu thuẫn của người Sunni ở Lebanon. Là người Sunni đến từ thành phố Tripoli, Thủ tướng Lebanon N. Mikati phải đóng vai trò “người đi trên dây”, cố gắng duy trì chính sách trung lập, không can dự vào bất kỳ bên nào ở Syria để tránh bị “cháy lan”. Suốt một năm trời, chính sách trung lập của ông N. Mikati xem ra phát huy hiệu quả. Nhưng nay thì tình hình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đối đầu trên chiến trường Syria trở thành mâu thuẫn trên chính trường Lebanon. 

Hồi thập niên 70 thế kỷ trước, Lebanon từng rơi vào xung đột dữ dội vì vấn đề của người tị nạn Palestine và xung đột đó đã dẫn đến nội chiến kéo dài 15 năm (1975-1990) ở nước này. Nay căng thẳng trong xã hội cũng đã đến mức có thể dẫn đến nội chiến, khiến nhiều người lo ngại “lịch sử lặp lại”.  Đó là chưa kể “ngòi nổ” hơn 24.000 người Syria, đa số là Sunni, hiện đang sống trong các trại tị nạn ở miền Bắc Lebanon.

Không hạ được nhiệt mâu thuẫn tôn giáo giữa người      Shiite và Sunni ở Syria và Lebanon, làn sóng xung đột còn có thể lan sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, nơi cũng đang phải đối mặt với mâu thuẫn tôn giáo, rồi tràn khắp khu vực Trung Đông mà không ai có thể ngăn chặn được. Nội chiến ở Syria đã không còn bó hẹp trong lãnh thổ nước này.