Vẹn nguyên niềm tự hào của Tổng Biên tập đầu tiên Báo An ninh Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Suốt mấy chục năm qua, gia đình nhà báo Trần Đức vẫn gắn bó với ngôi nhà ở xóm Đại Đồng, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Đi đầu từ xóm, hỏi đường vào nhà ông, người dân ở đây không quên xác nhận lại rằng: “Ông Tư Đức làm ở Báo An ninh Thủ đô phải không?” rồi tận tình dẫn vào tận nơi.
Nhà báo Trần Đức trong những ngày tháng gắn bó với Báo An ninh Thủ đô trên cương vị Tổng Biên tập đầu tiên

Nhà báo Trần Đức trong những ngày tháng gắn bó với Báo An ninh Thủ đô trên cương vị Tổng Biên tập đầu tiên

Từ trang tin nội bộ đến tờ báo bán chạy nhất Hà Nội

Ngoài 90 tuổi, nhà báo Trần Đức không tránh được nhiều căn bệnh tuổi già, vẫn ngày ngày sống chung với đủ loại thuốc men. Ông bảo, giờ chỉ tiếc là không đi đâu được, chỉ loanh quanh ở nhà nghe chuyện thế sự từ xa. Tuổi già khiến trí nhớ bị ảnh hưởng, nhưng nhắc đến những ngày tháng gắn bó với Báo An ninh Thủ đô trên cương vị Tổng Biên tập đầu tiên, ánh mắt của ông đầy xúc động và tự hào.

Ngày trẻ trước khi đi làm báo, ông từng có thời gian làm hộ tịch viên phụ trách một khu phố - công việc giống như Cảnh sát khu vực bây giờ. Ông kể, ngày đó tờ Thủ Đô và tờ Thời Mới nhập lại thành tờ Hà Nội Mới, rồi cặm cụi viết và được đăng nhiều tin bài trên tờ này, chủ yếu là về các hoạt động phong trào dân phòng, những người bảo vệ dân phố. Có bài được in trên báo, ông phấn khởi nên càng hăng viết. Năm 1962, ông được phân công lên làm ở Ban Tuyên truyền của Sở Công an Hà Nội (nay là CATP Hà Nội), phụ trách chính tờ tin nội bộ của Sở. Vì là tờ nội bộ nên cũng chỉ in ra và phổ biến trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an Thủ đô.

Nhớ lại, nhà báo Trần Đức bảo, gọi là làm báo chứ đúng ra khi ấy ông chỉ làm công việc của một cán bộ tuyên truyền viết tin thôi. Một thời gian ngắn sau đó, ông được Bộ Công an cho đi học lớp dạy cách viết tin, viết phóng sự do cán bộ của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) giảng dạy. Trong Ban Tuyên truyền, tính cả ông là có tất cả 3 người vừa lấy tin viết bài, vừa quay “ronéo” để in báo, rồi vừa đóng báo vừa mang đi phát hành.

Hạnh phúc lúc bấy giờ với nhà báo Trần Đức còn là việc những người bạn văn, bạn thơ - cộng tác viên thân thiết của Báo An ninh Thủ đô cũng xem tờ báo như ngôi nhà thân thiết của mình và lấy làm vinh dự, tự hào về tờ báo.

Dần dần, ông liên hệ với chủ một nhà máy in để mượn về một máy in nhỏ, mời công nhân về vừa sắp chữ vừa in theo phương thức in “lito” (in thạch bản), tuy vậy vẫn chỉ là tờ nội san phổ biến nội bộ. Cứ thế, tờ tin nội bộ cũng duy trì được cả chục năm. Không chỉ vậy, ông còn tập viết truyện ngắn, làm thơ lục bát… gửi đăng và được in nhiều trên tờ “Tiếng Máy” (của Sở Văn hóa Hà Nội) và trên Báo Văn nghệ. Ông phấn khởi lắm, càng yêu công việc viết lách và yêu nghề báo hơn.

Đến năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bộ Công an có chủ trương giới thiệu những cơ quan thông tấn báo chí của ngành Công an để mọi người dân đều biết nên chương trình phát thanh “Vì An ninh Tổ quốc” ra đời trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Song song đó, Báo An ninh Thủ đô được cấp phép ra đời, từ in và phát hành nội bộ tiến tới in ở nhà in Báo Hà Nội Mới với điều kiện in phát không, không lấy tiền. Thời điểm đó, ông vẫn nhớ cảm xúc vui mừng và tự hào khôn xiết khi thấy báo được in nhiều vô kể, phát khắp nơi và ai nấy đều tò mò tìm đọc. Sau một thời gian phát hành đến các xã, tổ dân phố… dần dà tờ báo bắt đầu vươn ra ngoài thị trường.

Nhà báo Trần Đức được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, quyết định được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương ban hành. Vậy là mô hình tòa soạn Báo An ninh Thủ đô được hoàn thiện, ông cùng các anh em vừa làm, vừa viết, vừa biên tập, vừa lo khâu phát hành tới bạn đọc. Nhắc lại những ngày tháng đầu tiên khi báo được bày bán công khai ngoài sạp, nhà báo Trần Đức vẫn vẹn nguyên cảm giác rưng rưng vui sướng khi thấy báo bán rất chạy.

Gần 30 năm kể từ sau khi nghỉ hưu, nhà báo Trần Đức vẫn nhớ như in trong ký ức những kỷ niệm không thể nào quên về Báo An ninh Thủ đô

Gần 30 năm kể từ sau khi nghỉ hưu, nhà báo Trần Đức vẫn nhớ như in trong ký ức những kỷ niệm không thể nào quên về Báo An ninh Thủ đô

Dám làm những điều chưa tờ báo nào làm

Nhắc nhớ Báo An ninh Thủ đô 45 năm về trước, nhà báo Trần Đức tự hào kể, ngày ấy An ninh Thủ đô là tờ báo đầu tiên mở nguyên cả trang văn nghệ để đăng thơ, đăng chuyên mục “Chuyện trong mỗi nhà” của mọi tác giả, miễn là hay. Không chỉ đăng bài viết mà kèm theo đó còn in ảnh tác giả. Thế nên không ít cây viết được nhiều người biết đến từ chính những trang báo ấy. Nhiều người trong số những cộng tác viên đầu tiên ấy sau này trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khắp cả nước. Có người kể với ông, nhờ có bài in trên báo mà nhiều hôm đi mua xôi, người bán hàng nhận ra rồi khuyến mại thêm cho một miếng. Vậy là được ăn gói xôi nhiều mà rõ rẻ.

Hồi tưởng quãng thời gian thuở ban đầu của tờ báo, nhà báo Trần Đức vẫn nhớ như in, lúc đó ông có chủ trương ra hẳn một trang văn nghệ nên thu hút rất nhiều người yêu văn, yêu thơ tìm đến gửi bài. Ông cũng tự hào rằng, An ninh Thủ đô là tờ báo duy nhất lúc đó dám ra hẳn một trang về thơ trào phúng chống tiêu cực trong khi các báo khác cùng lắm chỉ dành “đất” để in 1, 2 bài kiểu nhắc khéo đôi vần. Những bài thơ được in trên trang trào phúng về đủ các mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, trong đó có cả chống “tham nhũng vặt”, ví dụ như vụ tham ô 67 nghìn đồng ở một nhà in.

“Hồi đó có nhiều người cộng tác với trang văn nghệ lắm, có người từ cộng tác viên trở thành người bạn thân thiết của báo, có người là bạn văn bạn thơ quen biết tôi rồi thành cộng tác viên của báo. Có thể kể đến những cái tên như Ngô Văn Phú, Tạ Vũ, Hứa Văn Định… Rồi cả anh Phạm Khải - Tổng Biên tập của Báo Công an nhân dân bây giờ cũng in thơ in ảnh trên trang văn nghệ của An ninh Thủ đô. Vui lắm!” - nhà báo Trần Đức xúc động nhớ lại.

Hạnh phúc lúc bấy giờ với nhà báo Trần Đức còn là việc những người bạn văn, bạn thơ - cộng tác viên thân thiết của An ninh Thủ đô cũng xem tờ báo như ngôi nhà thân thiết của mình và lấy làm vinh dự, tự hào về tờ báo. Thỉnh thoảng, ông lại “chiêu đãi” họ bữa liên hoan thịnh soạn với bia và lạc trên gác thượng nóc trụ sở Báo ở ngã tư phố Hàng Đậu.

Lan tỏa và nhân lên những điều tử tế trong cuộc sống

Bên cạnh niềm tự hào vì được bạn đọc gần xa yêu mến từng trang báo, nhà báo Trần Đức và những người gắn bó với An ninh Thủ đô từ những ngày đầu tiên ấy còn tự hào vì một thời gian sau khi ra đời, tờ báo không chỉ hấp dẫn bạn đọc về mặt nội dung mà còn tiên phong tham gia vào các hoạt động xã hội ý nghĩa, chia sẻ với các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người dân khắp nơi có hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ từ thiện “Bầu ơi thương lấy bí cùng” ra đời vào năm 1992. Ông bảo, quỹ ngay khi được “khai sinh” đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều người tốt, âm thầm lan tỏa và nhân lên những điều tử tế trong cuộc sống.

Có câu chuyện mà người viết từng đọc được, đó là lúc sinh thời, nhà văn Triệu Bôn trong một lần trò chuyện từng nói vui với nhà báo Trần Đức rằng, cuộc đời chẳng nói trước được điều gì, nếu chẳng may mình có gặp vận hạn biết đâu lại phải nhờ tới Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô cũng nên. Không may, sau đó không lâu thì ông bị tai biến mạch máu não, rồi bị liệt nửa người. Giữa lúc vợ ông đang phải gom góp từng đồng bạc lẻ để mua thuốc cấp cứu cho chồng thì nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô. Nhiều năm sau, trước khi mất, nhà văn Triệu Bôn vẫn dặn dò người bạn đời của mình nhà chẳng có gì ngoài sách, nhớ biếu nhà báo Trần Đức những quyển sách ấy vì ông đọc rất tinh tường.

* * *

Trong quãng thời gian gần 20 năm trên cương vị Tổng Biên tập của Báo An ninh Thủ đô, nhà báo Trần Đức cũng chưa quên những lần tờ báo vinh dự được đón tiếp nhiều lãnh đạo đến thăm như: đồng chí Phạm Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Mai Chí Thọ - Bộ trưởng Bộ Công an… Rồi nhà báo Trần Đức với tư cách người đứng đầu tờ báo còn tham gia một cuộc họp đặc biệt tổ chức tại Việt Nam với sự góp mặt của Tổng Biên tập các đài, báo lớn của Lào. Tại đây, ông báo cáo các kinh nghiệm về tuyên truyền phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cũng trong cuộc trò chuyện về tờ báo mà mình đã dành trọn tình cảm, tâm huyết và sức lực để gây dựng thuở ban đầu, nhà báo Trần Đức vẫn nhớ và kể vanh vách vô khối bài báo ý nghĩa từng đăng tải trên An ninh Thủ đô mà ông thấy vô cùng tâm đắc. Trong ký ức của người “thuyền trưởng” An ninh Thủ đô năm nào, dường như mọi thứ như những thước phim cứ ùa về hiện ra trước mắt.

Gần 30 năm kể từ sau khi nghỉ hưu, ông vẫn dõi theo từng bước chuyển mình thay đổi của tờ báo, từ báo in rồi có thêm báo điện tử, truyền hình, để rồi thấy mừng vì An ninh Thủ đô dù có phát triển thế nào thì vẫn giữ được bản sắc và dáng vẻ riêng, là tờ báo được bạn đọc tin cậy và yêu quý. Với nhà báo Trần Đức, An ninh Thủ đô không chỉ ghi dấu một quãng đời mà ông đã sống và cống hiến hết mình, mà còn là niềm tự hào lớn lao về một tờ báo đã khẳng định được vị thế riêng của mình trên trường báo chí và cả trong lòng độc giả.