Vén màn bí mật mẫu hạm không gian hạt nhân của quân đội Mỹ

ANTĐ - Đến giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ này, Mỹ sẽ hình thành khái niệm về chiến tranh không gian, là sự hoàn thiện lý luận “Chiến tranh giữa các vì sao” tưởng đã lụi tàn từ thời chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20. Ngày Mỹ chính thức sở hữu một vũ khí kinh khủng là mẫu hạm không gian hạt nhân cũng là thời điểm bắt đầu thời đại “chiến tranh giữa các vì sao mới”.

Công ty Boeing của Mỹ đã chế tạo 2 nguyên mẫu của “Thiết bị bay thực nghiệm quỹ đạo” X-37B và đã tiến hành bay thử 3 lần, lần thử nghiệm thành công thứ 3 vào ngày 11 tháng 12 năm 2012. Cho đến nay, Không quân Mỹ luôn giữ kín nhiệm vụ, sứ mệnh của X-37B, mặc kệ cho mọi người suy đoán về mục tiêu thử nghiệm của nó, khiến các chuyến bay quanh quỹ đạo trái đất của X-37B vẫn là một bí ẩn mà mọi người luôn muốn khám phá.

Rất nhiều nghi vấn xung quanh dự án X-37B, làm dấy lên sự lo lắng về nguy cơ vũ khí hóa các thiết bị không gian. Nhiều người cho rằng, X-37B được thử nghiệm nhiều lần để kiểm nghiệm tính năng thiết kế đặc biệt, hệ thống thiết bị bay, khả năng tái sử dụng và thử nghiệm thiết bị trinh sát tình báo được lắp đặt bí mật, thậm chí có người còn cho rằng quân đội Mỹ đang thử nghiệm một số kỹ thuật liên quan đến khả năng tấn công của thiết bị bí mật này.

Hình dạng của “Vũ khí bay thực nghiệm quỹ đạo” (OTV) X-37B giống một phi thuyền mini, là sự tích hợp công nghệ cao của hàng không và vũ trụ. Nó tương tự như chương trình chế tạo chiếc phi thuyền nổi tiếng Buran của Liên Xô, thường thấy được cõng trên lưng chiếc Antonov An-225. Tuy nhiên, khác một điểm là Buran đã bị khai tử vào năm 1993, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Vén màn bí mật mẫu hạm không gian hạt nhân của quân đội Mỹ ảnh 1

Phi thuyền Buran của Liên Xô được phóng từ chiếc Antonov An-225


X-37B được NASA nghiên cứu, chế tạo từ năm 1999, năm 2004 được chuyển giao cho Cục kế hoạch nghiên cứu cao cấp của Bộ quốc phòng Mỹ, năm 2006 tiếp tục được không quân tiếp nhận, quá trình thực nghiệm do Văn phòng năng lực phản ứng nhanh của không quân Mỹ (Rapid Capabilities Office - RCO) phụ trách.

X-37B dài 9m, cao 3m, sải cánh 4.5m, nặng khoảng 5 tấn, kích thước khoảng bằng 1/4 phi thuyền không gian khác. Nó có thể tự động vận hành trong khi bay mà không cần có sự điều khiển từ mặt đất. Thiết kế của X-37B được tích hợp các đặc điểm của máy bay và phi thuyền không gian, ở khu vực cận vũ trụ (cách trái đất khoảng từ 20-100km), tốc độ của nó có thể đạt tới 27000 km/h.

Trải qua 3 lần bay thử, các kỹ thuật mấu chốt của X-37B ngày một hoàn thiện.

Trước hết là kỹ thuật kiểm soát bay cơ động thay đổi quỹ đạo và bố cục khí động học. X-37B lựa chọn kỹ thuật thay đổi quỹ đạo cao của hệ thống động lực tên lửa siêu thanh trong môi trường 2 miền không gian. Nó được trang bị 2 động cơ thay đổi quỹ đạo, 12 thiết bị đẩy khống chế lực cản chính, 8 thiết bị đẩy vi chỉnh khống chế lực cản được lắp đặt phía sau, 6 thiết bị đẩy vi chỉnh khống chế lực cản lắp đặt phía trước, khả năng cơ động thay đổi quỹ đạo rất mạnh.

Vén màn bí mật mẫu hạm không gian hạt nhân của quân đội Mỹ ảnh 2

Phi thuyền không gian X-37B của hãng Boeing


Về công nghệ thiết kế tích hợp của X-37B. Tốc độ bay của X-37B có thể đạt từ Mach5 đến Mach25, bay từ trong ra ngoài tầng khí quyển, nơi mật độ các tầng không khí biến đổi vô cùng lớn, từ đậm đặc đến loãng. Vì vậy, công nghệ tích hợp thân của thiết bị bay và hệ thống động lực là vô cùng quan trọng.

Tiếp theo là vật liệu chế tạo và công nghệ kết cấu của nó. Khi bay với tốc độ siêu cao, ma sát với không khí sẽ sinh nhiệt rất lớn, bề mặt thân của X-37B đạt nhiệt độ khoảng 1.800 độ C, nên vật liệu kết cấu phải bảo đảm chịu nhiệt tốt, chống ăn mòn, nhẹ và có độ bền cao.

2 lần bay thử trước của X-37B đều thành công. Chuyến bay thử đầu tiên bắt đầu vào ngày 5-3-2011, do một tên lửa đẩy phóng lên không gian. Ngày 3-12-2010, nó đã trở về trái đất thành công sau 229 ngày hoạt động trên quỹ đạo.

Vén màn bí mật mẫu hạm không gian hạt nhân của quân đội Mỹ ảnh 3

Phi thuyền không gian X-37B của hãng Boeing


Lần bay thử thứ 2 bắt đầu vào ngày 5-3-2011, kế hoạch ban đầu dự định bay trong 9 tháng, nhưng sau đó không quân Mỹ muốn tiếp tục thử sức chịu đựng của thiết bị, nên X-37B đã bay liên tục 496 ngày trên quỹ đạo cao từ 177 km đến 800 km và hạ cánh thành công xuống trái đất vào ngày 16-6-2012.

Qua hai lần bay thử trước cho thấy, X-37B tiếp tục mở rộng phạm vi thay đổi quỹ đạo và phạm vi bay ngang trong quỹ đạo, hệ thống động lực của nó ổn định hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, Pin năng lượng mặt trời duy trì thời gian dài hơn và tất cả các công nghệ then chốt đều được khảo nghiệm.

Hiện nay, các loại vũ khí trong lĩnh vực không gian đã tiếp cận giới hạn vật lý, không gian trở thành niềm hy vọng của quân đội Mỹ là sẽ giành được ưu thế phi đối xứng. Theo báo cáo, không quân Mỹ cũng mong muốn tăng thêm số lượng của loại thiết bị này, công ty Boeing đã tiết lộ kế hoạch nghiên cứu phiên bản lớn hơn X-37B là X-37C.

Vén màn bí mật mẫu hạm không gian hạt nhân của quân đội Mỹ ảnh 4

Phi thuyền không gian X-37B của hãng Boeing


Không quân Mỹ tiến hành thử nghiệm liên tục X-37B với mục đích cơ bản là nhằm hỗ trợ cho công việc nghiên cứu khái niệm tác chiến không gian, để giảm rủi ro trong nghiên cứu mô hình tương lai. Điều này có nghĩa là, một loại vũ khí không gian mới đã hình thành.

Dự kiến đến giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ này, Mỹ sẽ hình thành khái niệm về chiến tranh không gian, là sự hoàn thiện lý luận “Chiến tranh giữa các vì sao” tưởng đã lụi tàn từ thời chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20. Ngày đó, Mỹ cũng nuôi mộng sở hữu một vũ khí tấn công hạt nhân từ khoảng không gian vũ trụ, tuy nhiên kế hoạch này đã bị xếp xó khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Cùng với sự hoàn thiện của công nghệ, quân đội Mỹ tất sẽ đẩy nhanh đưa X-37B trở thành vũ khí chiến tranh không gian trong tương lai. Ngày Mỹ chính thức sở hữu một vũ khí kinh khủng là mẫu hạm không gian hạt nhân cũng là thời điểm bắt đầu thời đại “chiến tranh giữa các vì sao mới”.