Về xứ Đoài, thổn thức đá ong

ANTĐ - Bao đời nay, đá ong xứ Đoài đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người khi hình dung về mảnh đất này. Cái thứ đá lỗ chỗ mang màu nâu của đất, mang hồn khí mộc mạc của vùng địa linh nhân kiệt, mang tính cách giản dị của người nông dân Bắc Bộ, tạo nên một nét đặc sắc rất riêng, khó tìm được ở bất cứ một miền đất nào trong cả nước. Ngày nay, khi vùng quê ngoại thành Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, đá ong lại tiếp tục mang thêm sứ mệnh mới - làm giàu cho quê hương…

Thứ “của độc” mà thiên nhiên ban tặng

Theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc ngược về phía tây Thủ đô chừng 30 km, chúng tôi tìm đến xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), nơi còn mang đậm dấu ấn của văn hóa xứ Đoài xưa, cũng là nơi được biết đến với nguồn đá ong phong phú và chất lượng vào loại tốt nhất cả nước. “Mỏ” đá ong trời phú cho vùng quê này nằm ven các quả đồi, dưới thớ đất màu của các thửa ruộng bên bờ sông Tích. Trước đây, đá ong được bà con khai thác làm vật liệu xây dựng nhà cửa, tường rào, đình chùa, làm chum vại hay lát đường làng ngõ xóm, kè bờ ao, bờ ruộng… Đá ong gắn bó với người dân từ khi sinh ra, lớn lên và cả khi họ lìa trần để trở về đất mẹ. Không biết loại đá này sinh ra từ đâu, có tự bao giờ, song người dân nơi đây đều biết rằng đó là một thứ đá riêng biệt của quê hương, một thứ của “độc” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất xứ Đoài. Thứ đá đó đã xây dựng nên các ngôi nhà cổ đặc sắc ở Đường Lâm, các ngôi chùa cổ ở Sơn Tây, Thạch Thất, các công trình kiến trúc độc đáo phủ rêu xanh trường tồn với thời gian…
Về xã Yên Mỹ ngày nay, đầu làng cuối xóm vẫn thấy ngổn ngang đá ong, từ những bức tường rào cũ hay các ngôi nhà mới xây, và cả những sản phẩm mới với muôn hình vạn vẻ được tạc lên từ đá ong nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, những người làm đá ong chân chính, những nghệ nhân thực sự gắn bó với loại đá này thì bây giờ chỉ còn lác đác. Chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Văn Mười (50 tuổi, thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất), vừa trở về sau khi vào TP Hồ Chí Minh thiết kế một cổng chùa làm hoàn toàn bằng đá ong, theo đơn đặt hàng trị giá lên đến vài trăm triệu đồng. Ông Mười được người dân nơi đây giới thiệu có “bàn tay vàng”, từng làm “kiến trúc sư tổng” của rất nhiều công trình độc đáo từ đá ong, trong đó có cổng chùa của làng Yên Mỹ hiện nay. Hơn 20 năm sống chết cùng thứ đá này, tay nghề của ông ngày càng điêu luyện. Bàn tay tài hoa của người nghệ nhân “thổ mộc” này có thể tạo ra đủ hình thù các con vật, đủ các nhân vật thần thoại… từ đá ong. Nơi ông ngồi tiếp chúng tôi là một bộ bàn ghế tinh xảo làm bằng đá ong. Cạnh đó, một chiếc vại, một chiếc đôn và vài dụng cụ trang trí khác cũng được làm hoàn toàn bằng đá ong. Tất cả quyện hòa trong một không gian với sắc màu vàng óng, nâu sậm, tạo cho khách đường xa cảm giác ấm cúng, gần gũi và rất đỗi thân quen. 
Nói về bí quyết nghề, ông tự hào kể: Để làm được chiếc cổng bằng đá, ngoài bộ óc tính toán về kỹ thuật kết cấu, cần phải có hoa tay và trình độ. Điều đặc biệt là nghề điêu khắc đá ong hầu như chỉ làm thủ công, không thể áp dụng máy móc bởi như thế thì “cái hồn của đá” sẽ mất đi, sản phẩm sẽ không còn sức sống và sự độc đáo nữa. Cũng vì sự công phu đó mà nghề điêu khắc đá ong ít khi “gia truyền” được, người nghệ nhân cũng chỉ có thể sử dụng những công nhân để phụ giúp một số công đoạn thô chứ không thể làm thay mình.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Lý (60 tuổi, cùng ở thôn Yên Mỹ), có sử dụng 5-7 công nhân đục đẽo đá, song mấy chục năm làm nghề, chưa có một sản phẩm nào mà không phải động đến bàn tay của người nghệ nhân này. Bỏ dở công việc tiếp chuyện chúng tôi, ông Lý tự hào khoe: “Ở xứ Đoài nhiều vùng có đá ong nhưng nguồn đá ong tốt nhất phải là ở Bình Yên (Thạch Thất). Chất liệu đá ong ở Sơn Tây, Đường Lâm chủ yếu chỉ dùng để xây nhà, còn khi đẽo ra để làm các công trình mỹ thuật, hoa văn thì dễ vỡ, không có độ dẻo dai, thiếu sắc…”. Ông Lý chia sẻ, chất liệu đá ong tốt, bền phải là loại đá ong có “độ tuổi” cao, còn gọi là “đá già”, lấy ở vùng đất không dính lửa, không dính muối, axit, chỉ có thứ đá đó mới trường tồn với thời gian, càng qua nắng mưa càng vững chắc. 

Ai sẽ lưu giữ “hồn” đá ong?

Về xứ Đoài, thổn thức đá ong ảnh 2

Tại vùng xứ Đoài nói chung, xã Bình Yên nói riêng, không chỉ những nghệ nhân làm đá ong đang ngày càng vắng bóng mà cả những dấu ấn từ đá ong trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây cũng đang mai một đi trông thấy. Khi giá trị của đá ong đã thay đổi, khi một mét vuông tường xây bằng đá ong tốn từ 1,2-1,4 triệu đồng, thì chỉ có một vài gia đình giàu có trong làng dám xây nhà cửa, tường bao bằng đá ong. Nhiều công trình bằng đá ong trước đây nay cũng đã bị người dân phá đi, xây mới bằng gạch ngói xi măng khang trang, hiện đại hơn. Và ngay cả nguồn đá ong mà thiên nhiên ban tặng cũng đang cạn dần theo thời gian do sự khai thác của con người.
Nhìn những cánh đồng ven sông Tích, những quả đồi được đào xới tả tơi để khai thác đá ong, một số cụ cao tuổi ở Bình Yên không khỏi nao lòng. Có cụ uyên thâm chữ nghĩa, am hiểu lịch sử, lắc đầu nói: cái tên Thạch Thất huyện vốn đã mang trong nó nét đặc sắc riêng biệt của văn hóa xứ Đoài, một nền văn hóa đá ong độc đáo. Bởi “Thạch” theo tiếng Hán có nghĩa là đá, ở vùng quê này chính là đá ong, còn “Thất” nằm trong cụm từ “gia thất” để chỉ đặc điểm của vùng đất xây dựng nhà cửa bằng đá ong. Vậy nhưng bây giờ, để kiếm được một khối đá ong ưng ý không phải lúc nào cũng sẵn. Đá ong khai thác mãi rồi cũng hết, chỉ còn lại những công trình từ đá sẽ thách thức thời gian.
Ngày nay, nhiều người trẻ tuổi ở địa phương dù chưa từng làm đá ong nhưng vì tính toán lợi nhuận, sẵn sàng bỏ vốn mở doanh nghiệp, thuê công nhân khai thác đá ong, đưa máy móc vào đục đẽo đá ong để làm ra các sản phẩm đem bán dọc đường, ngoài chợ, câu kéo khách ở xa. Vì khai thác đá ồ ạt, sản xuất sản phẩm từ đá ong theo kiểu công nghiệp, lại không có nhiều kiến thức, không am hiểu về đá ong, không phân biệt được các loại đá ong... nên sản phẩm từ đá ong của họ kém chất lượng, mặc dù giá rẻ hơn làm thủ công. Đó cũng là điều mà người xứ Đoài lo ngại nhất, bởi những giá trị tinh hoa, nét đặc sắc nhất của nền văn hóa đá ong nơi đây sẽ dần dần bị mất mát, hủy hoại. Và khi những nghệ nhân “thổ mộc” ở nơi đây mất đi, liệu còn ai sẽ lưu giữ “hồn” của đá?
 Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói, Hà Nội bây giờ không chỉ còn là Thăng Long xưa mà đã có cả một không gian gắn kết với nền văn hóa rất có bề dày lịch sử và đặc sắc, đó là văn hóa xứ Đoài. Vì vậy, văn hóa Hà Nội bây giờ không chỉ có Văn Miếu, Chùa Một Cột mà phải phát triển, giữ gìn cả những nét văn hóa xứ Đoài, nơi có ngọn Ba Vì linh thiêng, có làng cổ Đường Lâm hay kiến trúc đá ong ở Sơn Tây, Thạch Thất… Thiết nghĩ, đây thực sự là ý kiến rất đáng để các cơ quan chức năng lưu tâm.