Về xóm có...7-8 "hố tử thần"

ANTĐ - "Tôi nghe thấy một tiếng rầm to lắm, nên sợ quá chạy thẳng lên đê. Lúc định thần trở lại nhìn xuống thì không còn thấy ruộng rau nhà mình đâu nữa, thay vào đó là một cái ao mênh mông".

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, ở địa bàn xóm Khi, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã liên tục xuất hiện các "hố tử thần" với chiều sâu lên tới 7mét và đường kính gần chục mét. Hiện tượng sụt, lún đất này đã khiến bà con tại địa phương vô cùng hoang mang. Một số hộ gia đình nằm sát cạnh các hố tử thần đã phải chuyển đi nơi khác dựng tạm lán trại để đảm bảo tính mạng.

Xuất hiện nhiều hố tử thần, dân hoang mang tột độ

Người dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về hiện tượng sụt lún ở xóm Khi, Ân Nghĩa là trưởng thôn Nguyễn Thanh Tùng. Người cán bộ trẻ này cũng không giấu được sự hoang mang tột độ vì chỉ trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng các hố tử thần liên tục xuất hiện. Anh Tùng chia sẻ: "Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa từng chứng kiến cảnh sụt lún thế bao giờ. Nay phải chứng kiến tôi thấy hoang mang lắm. Mà tần xuất của nó mỗi ngày một tăng lên. Nếu không có biện pháp gì ngăn chặn thì chắc xóm tôi phải bỏ xứ mà đi mất thôi".

Ngay đầu xóm Khi là tấm biển báo đường sạt lở, cấm các loại xe ôtô không được đi vào. Men dọc theo con đường liên thôn là những vết nứt ngoằn ngoèo. Trưởng thôn Nguyễn Thanh Tùng nói với chúng tôi, đoạn đường đó cũng bị cảnh báo có nguy cơ sụt lún.

Khi chúng tôi đến hiện trường vụ sụt lún mới nhất vẫn còn rất nhiều bà con ở đó. Trên từng khuôn mặt, nỗi lo âu, hốt hoảng vẫn còn nguyên vẹn. Bà con bảo, nếu còn tiếp diễn thế này thì sẽ có người trong số họ phải về chầu ông bà ông vải mất thôi. Cụ Tí (74 tuổi) lo lắng nói: "Lãnh đạo cấp trên phải có biện pháp gì để giúp đỡ dân chúng tôi chứ. Cứ thế này thì ăn cũng không ngon, ngủ cũng chẳng yên nói gì đến chuyện làm ăn của bà con nữa".

Trưởng thôn Bùi Văn Cảnh cho biết: "Các hố tử thần này xuất hiện quá nhanh và đột ngột. Chẳng có một biểu hiện nào báo trước cả nên dân sẽ không thể biết mà tránh. Có hố chỉ sau một tiếng rầm là đã biến thành cái ao rộng và sâu lắm rồi như cái hố nhà anh Pạy ấy. Nhiều người sau khi nghe tiếng rầm ấy chạy ra thì không tin nổi vào mắt mình. Có người sợ quá mặt tái xanh, có người thì đứng chết chân không nhúc nhích phải nhờ người thân cõng ra".

Ngay sát cạnh khu ruộng nhà anh Pạy là khu ruộng của nhà chị Bùi Thị Đạt. Khu ruộng nhà chị Đạt theo như mọi người đánh giá là bị sụt sâu nhất và rộng nhất tính tới thời điểm này. Và người chứng kiến sự xuất hiện hố tử thần này cũng chính là chị Đạt. Kể lại cho chúng tôi nghe về sự cố ấy, giọng chị Đạt vẫn run run: "Hôm đó là ngày 23/2, tôi vừa đi làm cỏ về, chân tay còn lấm lem nên xuống con mương gần đấy rửa. Tôi vừa cúi xuống thì thấy đất dưới chân mình rung chuyển. Tôi nghe thấy một tiếng rầm to lắm. Tôi sợ quá chạy thẳng lên đê. Lúc định thần trở lại nhìn xuống thì không còn thấy ruộng ra nhà mình đâu nữa, thay vào đó là một cái ao mênh mông. Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc nào kinh khủng và lạ lùng như thế. Cứ như là có phép thuật ấy".

Nghe riêng rầm vang lên và tiếng thét thất thanh của chị Đạt, bà con hối hả chạy ra. Cả làng hoang mang, sợ hãi. Nhiều người còn thì thầm với nhau hay thần sông, thần núi tức giận điều gì đã trừng phạt dân làng. Riêng về phần chị Đạt, chị bảo cả đêm đó mình không ngủ. Cứ chợp mắt vào là cảnh tượng hãi hùng ấy lại hiện ra rõ mồn một. Chị bảo: "Giả tôi chậm chân một chút chắc có lẽ bây giờ đã là người âm mất rồi".

Trưởng thôn Cảnh cho biết: "Xóm Khi là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mường. Điều kiện kinh tế ở đây còn rất khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng trọt. Nay, liên tục xuất hiện hố tử thần khiến bà con vô cùng hoang mang. Xóm có tất cả 74 hộ dân, trong đó l1 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự xuất hiện của hố tử thần. Hiện đã có một vài gia đình phải bỏ nhà làm tạm lán trại ở nơi khác để tránh hậu quả đáng tiếc".

Một số diện tích hoa màu thuộc địa bàn xóm Khi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số gia đình đã không thể tiếp tục canh tác do diện tích của một số hố tử thần là rất lớn. Hơn nữa, cũng không ai đủ can đảm để tiếp tục làm việc xung quanh những hố mà nguy cơ sụt lở rộng ra ngày càng cao.

Những chiếc hố tử thần này nằm ngay cạnh con đường liên thôn và đang phá hủy dần con đường huyết mạch của hàng chục hộ dân. Dù chính quyền xã đã cho rào lại và đặt biển cảnh báo nhưng vẫn rất nguy hiểm. Con đường này cũng đồng thời là đường đi học của học sinh trước đó.

Xóm Khi có tới 7, 8 chiếc "ao" như thế này

Do khai thác than hay có hang ngầm dưới lòng đất?

Theo thống kê của UBND xã Ân Nghĩa, tính đến thời điểm hiện tại, ở xóm Khi đã xảy ra 3 vụ sụt lớn làm xuất hiện hố tử thần. Vụ sụt đầu tiên xảy ra vào ngày 12/2 làm xuất hiện một hố tử thần có bán kính 5m, sâu 6m. Sau đó 2 ngày, tiếp tục sự cố sụt hố thứ 2 ngay cạnh đường đi có đường kính là 3,5m, sâu 4m. Đến đêm 23/2, tiếp tục sụt thêm hố thứ 3, đây là hố sụt lớn nhất có bán kính lên tới 5m, sâu trên 7m. Hiện chính quyền địa phương đã cử đoàn kiểm tra túc trực tại hiện trường đề phòng trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, đồng thời lên phương án di dời dân.

Không chỉ sụt lún gây nên các hố tử thần mà những vết nứt còn xuất hiện chằng chịt hai bên sườn đồi. Những vết nứt này ngày một xuất hiện dày đặc hơn, thậm chí nó còn lan tới nhiều nhà dân. Anh Nguyễn Văn Phong, một hộ dân nơi đây đã chia sẻ: "Dưới nền nhà tôi cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Có vết dọc móng nhà, có vết chạy từ bếp ra ngoài mặt đường".

Hiện tượng sụt lún bất ngờ và với tốc độ mạnh như vậy đã khiến dân làng thực sự hoang mang, Ngày nào đi làm họ cũng tự hỏi không biết khi nào thì hố tử thần sẽ xuất hiện ở khu ruộng nhà mình. Đêm, ngủ cũng không yên vì nếu có chuyện gì xảy ra thì coi như chết chắc không làm sao phản ứng kịp. Nhiều hộ đã lên kế  hoạch sẽ di dời gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo tính mạng.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì trước đó trên địa bàn xóm Khi có một mỏ than lộ thiên. Mỏ than này được khai thác từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu mỏ than này thuộc sự quản lý của hợp tác xã, sau được chuyển giao cho nhiều đơn vị khác nhau. Trước khi nó bị đình chỉ hoạt động vào tháng 7/2013 thì nó thuộc quyền khai thác của một công ty tư nhân.

Trong thời điểm mỏ than còn hoạt động, khu vực quanh đó cũng đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún và nhiều vết nứt.

Tuy nhiên, những sụt lún đó không quá sâu và rộng nên sau mỗi lần như thế chủ doanh nghiệp khai thác than lại dùng máy san lấp lại.

Tuy nhiên, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia thì nguyên nhân là do cấu trúc địa tầng đất tơi xốp, tạo ra nhiều khoảng trống dưới lòng đất. Mỗi khi có dòng nước mạnh chảy qua, nước ngấm xuống cộng thêm trời mưa bão khi sẽ được giải phóng làm diện tích các khoảng trống thu hẹp lại sẽ dẫn đến hiện tượng co địa chất làm cho liên kết chịu lực không còn nữa nên chỉ cần bị tác động một lực nhỏ sẽ bị sụt, lún.

Khi chúng tôi nói lại những nhận định trên cho bà con nghe thì họ cũng đồng tình. Họ nói, trước đó cũng có một số đoàn kiểm tra địa chất đến khảo sát, họ khoan mũi khoan dài 50 mét nhưng mũi khoan biến mất luôn. Khi bà con hỏi lý do vì sao mũi khoan biến mất thì đoàn địa chất trả lời rằng, nơi chúng tôi sống như một tổ mối với trăm nghìn hang hốc khác nhau. Vài năm trở lại đây, nhiều khu ruộng bị nẻ theo hình sống lưng trâu, nhiều thửa ruộng cứ thấp dần. Có thể đó cũng là hiện tượng sụt lún hang.

Dù là với nguyên nhân gì thì cũng mong các sở ban ngành có trách nhiệm nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục sự cố để trấn an tinh thần bà con nơi đây. Bởi trong suy nghĩ của họ lúc này là "bất kể khi nào cũng có thể bị diêm vương gọi đi!"

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình xác nhận: "Những hố tử thần trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân ở xóm Khi. UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo chính quyền địa phương di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên môi trường và Sở Khoa học công nghệ lập đoàn kiểm tra thực địa để xác định nguyên nhân gây ra sụt lún".

Ông Bùi Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hòa Bình cho biết: Các hố này vẫn tiếp tục sụt và lan rộng. Chúng tôi đã cho lấp đất, tuy nhiên đến nay vẫn còn sâu chừng 7 đến 8 mét. Sở đang phối hợp với Viện Địa chất để xác minh nguyên nhân và khắc phục sự cố.