Vệ tinh do Việt Nam chế tạo đã vào vũ trụ như thế nào?

ANTĐ - Ngày 21-7-2012, phi thuyền HTV3 của Nhật Bản được phóng thành công tới Trạm không gian quốc tế (ISS) mang theo vệ tinh nhỏ F-1 do Đại học FPT chế tạo. Mặc dù trên thế giới việc sáng chế và phóng vệ tinh nhỏ lên vũ trụ đã trở thành một xu thế trong suốt một thập kỷ qua, nhưng tại Việt Nam thì đây là lần đầu tiên sự kiện này được biết đến. Theo dự kiến trong tháng 9 tới đây, vệ tinh F-1 sẽ được thả ra từ trạm không gian quốc tế (ISS) và sẽ được cấp điện hoạt động.

Vệ tinh F-1 được Fspace (Phòng nghiên cứu Không gian), Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT – Đại học FPT bắt tay vào nghiên cứu chế tạo từ năm 2008 với chi phí gần 4 tỷ đồng. Với kích thước 10x10x10cm, nặng 1kg, vệ tinh nhỏ F-1 đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và đã được chính thức chấp nhận tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp tổ chức. Tháng 6-2009, lần đầu tiên F-1 được thử nghiệm ngoài trời ở một khoảng cách khá xa (7-50km) nhưng đã phát tín hiệu và kết nối thành công với phòng điều khiển. Tháng 3-2011, F-1 được đưa sang Nhật Bản để thử nghiệm rung động (vibration test) tại trường Đại học Tokyo. Và tới tháng 11-2011, F-1 được chuyển sang Mỹ cho đối tác đánh giá an toàn bay.

Mục tiêu của vệ tinh nhỏ F-1 là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây. Theo dự kiến vệ tinh nhỏ F-1 sẽ được thả rời khỏi trạm ISS với vận tốc khoảng 5cm/s, theo hướng 45 độ so với phương thẳng đứng và ngược chiều chuyển động của trạm ISS. Việc làm này để đảm bảo các vệ tinh nhỏ sẽ có quỹ đạo thấp hơn và không đâm trở lại trạm ISS trong những vòng quay sau đó. Do lực cản của bầu khí quyển và tổng hợp các lực khác trên quỹ đạo, các vệ tinh sau khi thả ra sẽ bị giảm dần độ cao. Thời gian sống của vệ tinh nhỏ trong vũ trụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu phụ thuộc vào độ cao quỹ đạo của trạm ISS lúc thả. Nếu thả vệ tinh ở độ cao 400 km thì thời gian sống trong quỹ đạo khoảng 250 ngày, nếu độ cao 350 km là khoảng 100 ngày.

Khi được thả ra ngoài không gian, vệ tinh F-1 sẽ bay vòng quanh trái đất trên quỹ đạo tương tự như của trạm ISS, nghiêng 51,6 độ so với mặt phẳng xích đạo, với chu kỳ 92 phút/ vòng. Từ trạm điều khiển mặt đất tại Hà Nội, nhóm Fspace sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình của F-1 đồng thời đưa ra các lệnh điều khiển để nó chụp hay thu thập dữ liệu về từ trường, nhiệt độ nào đó. Vệ tinh do Fspace chế tạo sẽ mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình “Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1”. Một điều đặc biệt khác, việc phóng vệ tinh F-1 lần này sẽ được thử nghiệm theo một phương thức hoàn toàn mới. Thông thường các vệ tinh được đặt trực tiếp lên tên lửa, sau khi được phóng lên, tên lửa sẽ đẩy vệ tinh ra quỹ đạo và vệ tinh bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, trước xu thế chế tạo các vệ tinh nhỏ đang phát triển mạnh trên thế giới kèm theo nhu cầu phóng tăng cao, JAXA và NASA đang phối hợp đề xuất ý tưởng sử dụng cánh tay robot trên trạm ISS là nơi phóng các vệ tinh nhỏ (trong đó có vệ tinh F-1) vào không gian.

Với việc phóng thành công F-1, trong tương lai Việt Nam có thể làm chủ công nghệ vũ trụ và hướng tới ứng dụng trong thực tế như giám sát tàu thuyền trên biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác.