Vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt đến 3 triệu đồng

ANTD.VN - Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành, hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, nơi công cộng… sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Dù mức phạt khá cao, song theo nhiều người dân, cần xem xét tính khả thi của quy định này.  

Vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt đến 3 triệu đồng ảnh 1Bất cứ nơi nào cũng có thể bị biến thành nhà vệ sinh công cộng

Tăng mức phạt là cần thiết

Cũng theo Nghị định trên, hành vi vứt, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn-1 triệu đồng. Cá nhân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc gây khó khăn cho công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát, đánh giá hiện trạng môi trường hoặc hoạt động công vụ của người có thẩm quyền; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ hoặc từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Sau khi được ban hành, văn bản trên đã nhận được nhiều phản hồi từ phía người dân. Bà Trần Thị Phương ở ngõ 127 đường Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, tình trạng tiểu tiện bừa bãi ở nơi công  cộng diễn ra khá phổ biến. Nhiều bức tường, gốc cây, bãi cỏ, hồ nước, thậm chí không ít tuyến đường cũng bị biến thành nhà vệ sinh công cộng. Hiện tượng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn tạo ấn tượng xấu đối với du khách quốc tế khi đến Hà Nội. Một trong những nguyên nhân là do ý thức của một số người dân còn thấp.

“Dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều nhưng tình trạng trên vẫn giậm chân tại chỗ. Do đó, việc ban hành chế tài phạt nặng đối với hành vi đại, tiểu tiện không đúng nơi quy định là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe. Tuy vậy, điều tôi băn khoăn là lực lượng nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này, hay quy định chỉ ban hành cho vui”? - bà Phương đặt câu hỏi.

Với tâm trạng tương tự, ông Đào Ngọc Thành ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, người tiểu bậy bị phạt là đúng, nhưng việc này thường diễn ra trong thời gian ngắn, chớp nhoáng nên để bắt tận tay rồi xử phạt là không đơn giản. Trong khi đó, hiện nay hệ thống nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố vừa thiếu vừa bẩn nên cũng gây khó khăn cho người dân. Cũng theo ông Thành, nếu đã ban hành quy định thì nên có lực lượng chức năng chuyên trách phụ trách giải quyết để xử lý đúng người, đúng tội.

Ai có thẩm quyền xử phạt?

Về thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5 triệu đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng.

Chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng. Trạm trưởng, đội trưởng CAND có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện; Trưởng phòng công an cấp tỉnh (cảnh sát môi trường và quản lý xuất nhập cảnh) đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25 triệu đồng...

Nghị định 155 còn nêu rõ, trong trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm thông qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi lại hình ảnh, cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ hợp tác để xác định đối tượng, hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cũng theo luật sư Thành Trung, ở một số nước phương Tây, với những người đại, tiểu tiện bừa bãi ngoài việc bị phạt tiền họ còn phải lao động dọn vệ sinh công ích trong một khoảng thời gian quy định. Song ở Việt Nam, việc xử phạt đối với người tiểu bậy không dễ dàng. Trước đây đã có quy định về vấn đề này nhưng số người bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi để phạt được lực lượng chức năng phải bắt quả tang cá nhân vi phạm. Tuy vậy, hiện lực lượng chức năng phục vụ cho công tác này còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, không phải ai đi… tiểu bậy cũng mang theo 1-3 triệu đồng để sẵn sàng nộp phạt!

“Để giải quyết triệt để nạn vệ sinh không đúng nơi quy định, bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý, chính quyền các địa phương cần sớm xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là những nhà vệ sinh miễn phí, đồng thời tăng cường tuyên tuyền để người dân nhận thức được đầy đủ về vấn đề này” -  luật sư Thành Trung đề xuất!