Về quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm, ghi hình của cơ quan có thẩm quyền điều tra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Quy trình tạm thời Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC của Viện KSNDTC, điều tra viên không được tự ý dừng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, lấy lời khai…

Về việc kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, Điều 5 Quyết định 264 nêu rõ, kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong các trường hợp:

Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan; Bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra; Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật;

Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can; trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.

Còn theo Điều 7 Quyết định 264, việc tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung, lấy lời khai được quy định khá chặt chẽ.

Với trường hợp hỏi cung, lấy lời khai tại cơ sở giam giữ, trụ sở CQĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra khi thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được kiểm sát chặt chẽ các bước gồm:

Việc nhấn nút ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; đọc rõ thời gian bắt đầu buổi hỏi cung, lấy lời khai và ghi thời gian bắt đầu tiến hành hỏi cung, lấy lời khai vào Biên bản hỏi cung, Biên bản ghi lời khai.

Thông báo cho bị can, người được lấy lời khai về việc hỏi cung, việc lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và ghi vào Biên bản hỏi cung, Biên bản lấy lời khai.

Trường hợp tạm dừng việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc rõ và ghi vào Biên bản hỏi cung hoặc Biên bản ghi lời khai về thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng. Khi tiếp tục hỏi cung hoặc lấy lời khai, Điều tra viên phải đọc rõ thời gian tiếp tục hỏi cung hoặc lấy lời khai và ghi vào Biên bản hỏi cung hoặc Biên bản ghi lời khai.

Trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai; phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Khi hỏi cung, lấy lời khai tại địa điểm khác, điều tra viên, cán bộ điều tra khi được thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được kiểm sát chặt chẽ các bước gồm:

Về trình tự bắt đầu, tạm dừng, kết thúc việc hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thực hiện tương tự quy định hỏi cung có ghi hình, ghi âm tại cơ sở giam giữ nêu trên.

Khi đang hỏi cung, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải báo cho bị can hoặc người được lấy lời khai biết. Nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Nếu họ không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai.

Như vậy, trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, điều tra viên không được tự ý dừng ghi âm, ghi hình. Trong trường hợp dừng phải ghi vào Biên bản hỏi cung hoặc Biên bản ghi lời khai theo quy định và nêu rõ lý do dừng.