Về nơi nghèo khó

ANTĐ - Hơn 400 bộ chăn màn, hàng chục thùng sữa cùng các thiết bị tăng âm, loa đài, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng, nước rửa bát… đã được gửi đến 4 trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện Mai Sơn (Sơn La) ngay sau kỳ khai giảng. Đây là món quà của Báo An ninh Thủ đô gửi tới các học trò nghèo nhân dịp đầu năm học khi mùa đông vùng cao đã cận kề…

Đồng chí Thượng tá An Văn Huân - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ
trao quà cho thầy trò các trường dân tộc nội trú huyện Mai Sơn

Sáng chủ nhật 21-9, cả trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt vui như có hội. Tin đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô cùng Công ty CP quảng cáo Hà Thái, Công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà sẽ lên tặng quà đã được loan báo từ mấy hôm nay. “Chuyện thầy trò nghèo vùng cao phải thường xuyên sống trong cảnh thiếu thốn chẳng còn lạ, nhưng riêng với Mai Sơn, những cán bộ công tác trong ngành giáo dục mỗi khi đến thăm vẫn phải động lòng” - ông Lê Trung Tấn, Ủy viên Ban chấp hành hội cựu giáo chức huyện Mai Sơn ngậm ngùi cho biết. Ông Tấn theo nghề giáo mấy chục năm nay, đến tận lúc về hưu vẫn đăm đắm với nghề. Từng “cắm chốt” ở đây nhiều năm, ông thấy thương khi nhìn cảnh lũ trẻ lội suối đến trường. Các cụ bảo “có thực mới vực được đạo”, lũ trẻ ăn còn chẳng đủ, bảo sao có sức mà học. Thế nên đích thân ông đứng ra làm cầu nối để món quà của Báo An ninh Thủ đô cùng bạn đọc tới được với thầy trò của huyện.

Từ trung tâm huyện Mai Sơn phải cắt thêm 60km đường núi mới tới được Nà Ớt. Mặc dù vào chủ nhật, nhưng lúc chúng tôi đến, gần 200 học sinh nội trú của trường đều có mặt đông đủ. Thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nà Ớt là trường bán trú, thông thường cứ thứ bảy, chủ nhật trường cho các em về với gia đình. Nhưng nghe tin có Báo An ninh Thủ đô lên thăm và tặng quà, học trò đều ở lại trường”. Hầu hết học sinh của Nà Ớt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cháu nào ở gần nhất cũng cách trường 5km leo núi, cháu nào xa thì cuốc bộ tới 30km đường rừng. Nhà nghèo nên việc cho con em theo học với người dân nơi đây là quá sức với họ. Thế nên các em tới lớp đã là sự cố gắng lắm, còn việc học tập thế nào, ăn ở ra sao người dân đều trông vào nhà trường. Các lớp học nằm cạnh con suối Nậm Lẹ, cứ trời mưa là nước ngập trắng sân trường. 

Hóa ra 400 bộ chăn màn, mấy chục thùng sữa cùng nhu yếu phẩm mà chúng tôi mang tới trên chiếc xe tải lặc lè rút cuộc cũng chẳng thấm tháp gì. Ngay tại sân trường Nà Ớt, số hàng ấy còn được chia cho 3 trường khác nữa. Bà Hà Thị Bình - Phó trưởng phòng Giáo dục huyện giải thích: “Các anh thông cảm, huyện nghèo quá, số trường khó khăn không chỉ có mỗi Nà Ớt, còn 3 trường khác là Chiềng Nơi, Phiêng Pằn, Phiêng Cằm cũng trong hoàn cảnh tương tự. Thế nên số quà này,  chúng tôi muốn chia ra cho các em mỗi nơi một chút”. Từ Chiềng Nơi ra đến Nà Ớt nhận quà, thầy Cầm Văn Long - Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Nơi phải đi từ nửa đêm. Lúc gặp chúng tôi, thầy lúi húi mở cốp xe máy để cất sợi xích “đặc chủng” tự chế chuyên dùng quấn vào lốp xe để vượt những cung đường trơn trợt. Thầy Long bảo, từ Chiềng Nơi ra đến đây hơn 100km thì có 30km không xe gì có thể vượt qua nổi vào mùa mưa, trừ… ngựa. Vì thế, nhà trường chỉ dám cử 2 giáo viên đi nhận quà. Nhận xong cũng đành gửi lại nhờ Phòng Giáo dục bảo quản hộ. Đợi đến tháng 10, khi những con mưa rừng ít đi, mới có thể huy động giáo viên ra chở về cho các em.

Nhận những thùng sữa đặc và chăn màn từ tay Thượng tá An Văn Huân, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô, thầy Long ngậm ngùi: “Học sinh của tôi, nhiều em từ bé đến giờ chưa biết sữa là gì. Trò nghèo đến mức, ngày nghỉ chúng cũng không muốn về, bởi ở lại với thầy còn có đậu phụ với muối mà ăn. Về nhà thì chỉ mẹ con nhìn nhau, cùng lắm là có được vài muôi mèn mén (thứ lương thực làm từ bột ngô xay). Trò đã vậy, các thầy cũng không khá gì, cho đến tận lúc này trường Chiềng Nơi vẫn chưa có điện lưới. Thú thật đây là lần đầu tiên thầy trò chúng tôi được nhận quà, vì thế cả trường mừng lắm”. Nhìn số quà, thầy Long hạch toán ngay: “Trường có gần 400 học sinh thì tới 330 em là học sinh nội trú. Số chăn màn, sữa và nhu yếu phẩm này sẽ dành cho những trò đặc biệt khó khăn hoặc có thành tích tốt trong học tập”. 

Chúng tôi rời Mai Sơn với ngổn ngang những tâm sự trong lòng. So với học sinh miền xuôi, những gì mà thầy trò các trường dân tộc nội trú huyện Mai Sơn nhận được vừa rồi vẫn là quá nhỏ. Chắc chắn Báo An ninh Thủ đô sẽ trở lại với Nà Ớt, Chiềng Nơi, Phiêng Pằn, Phiêng Cằm… vào một ngày không xa. Và để điều đó sớm trở thành hiện thực, chúng tôi cần rất nhiều sự đồng hành từ bạn đọc.