“Về Nguyễn Huy Thiệp: Ngọn núi sừng sững cô đơn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 200 trang sách là những nhận định khách quan về tài năng văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, cũng là tình cảm của những bạn văn, bạn đọc dành cho ông, tưởng nhớ ông nhân 100 ngày ông rời cõi tạm. “Về Nguyễn Huy Thiệp do NXB Dân Trí phối hợp cùng Liên Việt ấn hành.

Sách không cứ là một tập hợp....

Những bài viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ trước đến nay thì có nhiều, chắc không đếm xuể, nhưng nhóm biên tập chỉ chọn có hơn 30 bài để đưa vào cùng 2 bài Nguyễn Huy Thiệp tự nói về chuyện của mình.

“Sách không cứ là một tập hợp, cho dù là vài trăm bài theo kiểu một dấu cộng”- Đấy là cách mà nhóm biên tập nghĩ khi bắt tay vào làm. Bởi lẽ, trước tiên nó phải là một cuốn sách đã, sau mới đến ý nghĩa tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Và bài đầu tiên trong tập sách cũng là bài đầu tiên, văn chương của Nguyễn Huy Thiệp được một nhà phê bình văn học nhận xét đánh giá thấu đáo, sâu sắc đến từng câu, từng chữ, và cả cuộc đời của nhà văn nữa, cũng được tiên đoán trong tiêu đề của bài viết: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến.

Buổi ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, diễn ra từ 20-22h ngày 4-7 thông qua các nền tảng mạng xã hội

Buổi ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, diễn ra từ 20-22h ngày 4-7 thông qua các nền tảng mạng xã hội

Không chỉ là bài đầu tiên viết về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp nó còn được in như là lời giới thiệu trong tập truyện ngắn “Tướng về hưu”, cũng là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Nhà xuất bản Trẻ và Tuần báo Văn nghệ/ Hội Nhà văn Việt Nam, 1987). Bài cuối cùng của cuốn sách này là bài “Nói chuyện một mình”. Đây là bài Nguyễn Huy Thiệp viết vào dịp trước Tết âm lịch 2020, trước khi bệnh tình của ông trở nặng.

Phần 2 của sách là ảnh tư liệu chụp nhà văn, một số tác phẩm gốm của ông và đặc biệt những bức tranh đề thơ của nhà văn khi ông đã nằm trên giường bệnh. Thứ tự sau trước của các bài, bố cục các phần sẽ tạo ra không gian của cuốn sách. Sự khác biệt chính là ở đó. Ấy là chưa kể còn phần thiết kế đồ hoạ cho bìa, ruột, kích thước, chất liệu giấy và kỹ thuật in, gia công sau in...

Những góc nhìn về tác giả- tác phẩm

Thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã viết cho Nguyễn Huy Thiệp rằng: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” và rồi cả cuộc đời, cả văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đầy gập gềnh sóng gió, đôi phần giống Hoàng Ngọc Hiến suy đoán.

Cũng còn là bởi Hoàng Ngọc Hiến thấy: “Nguyễn Huy Thiệp thuộc thế hệ không mảy may bị vướng mắc cách nhìn “sử thi”.... Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắn nêu lên hèn kém bê tha ở những con người thuộc về những tầng lớp nhân dân khác nhau, nêu lên để quốc dân thấy rõ hơn nhân tình và thế thái hiện nay.... Ngòi bút của tác giả đặc biệt sắc sảo, có khi đến mức tàn nhẫn trong việc bộc lộ sự đốn mạt, sự thấp kém của nhân vật qua hành vi, cảm nghĩ và ngôn ngữ”. Nhưng rồi, sau tất cả những câu văn đó, là nỗi đau nhân tình. Nỗi đau âm thầm, lặng lẽ, nhưng sâu sắc. Đau thương là quyền lớn nhất của nhà văn để viết về những sự việc tiêu cực. Hoàng Ngọc Hiến gọi Nguyễn Huy Thiệp là “nhà văn của những con người bị xỉ nhục”.

Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tất nhiên, Nguyễn Huy Thiệp thấm thía được tất cả những điều được- mất mà văn chương mang đến cho ông. Trong buổi giao lưu tại nhà sách Le Phénix, Paris 10/4/2002, Nguyễn Huy Thiệp đã nói rằng: “Tôi xin nhắc lại, nghề văn là một nghề thổ tả. Để viết được chân thực, anh phải giày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi”.

Trả lời phỏng vấn riêng của nhà thơ Phạm Tường Vân, Nguyễn Huy Thiệp cũng nói: Viết văn là đạo, đó là một con đường khốc liệt. Để được thì phải mất. Điều kinh khủng là nhiều khi cái giá phải trả ấy lại không rơi vào mình mà người hứng chịu là người thân của mình. Có những thứ không thể nói ra được. Nhưng quá đắng cay...”

Trong bài “Rồi sông đãi hết anh hùng còn chi”, nhà báo Đỗ Thu Hà cũng đã viết: Những đắng cay mà Nguyễn Huy Thiệp phải trải như một sự ngã giá với thiên tài mà ông được Trời ban, dù ông không thể trải lòng, chỉ có thể gửi gắm phần nhỏ qua tiểu thuyết đầy khiên cưỡng và tội nghiệp “Tuổi hai mươi yêu dấu” đã bị truyền thông khai thác đến quá mức mấy năm qua chỉ khiến cho sự đau đớn trở nên tê dại. Ông đau, người thân đau. Nhưng độc giả thì được thật nhiều” và ông chính là: “ngọn núi sừng sững cô đơn, đợi những cơn gió hoang vu thổi ngược lên từ thung lũng Hua Tát...”

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì kể: “Ai từng tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đều nhận ra bóng tối trên khuôn mặt ông. Cứ thoáng nét ảm đạm, cứ thoáng nét ngậm ngùi, cứ thoáng nét âu lo. Thậm chí, khi ông cười, cũng thoáng nét buồn não như là sắp khóc. Trong truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp từng hình dung thi hào Nguyễn Du có “khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ”. Tuy nhiên, câu ấy có lẽ Nguyễn Huy Thiệp tự họa bản thân. Nào ngờ, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ sau khi từ bỏ nghề dạy học ở Sơn La để về Hà Nội cư ngụ trên miếng đất thừa kế của tổ tiên tại Thanh Xuân, Hà Nội đã mang đến một cơn dậy sóng văn đàn Việt Nam....

“Về Nguyễn Huy Thiệp” ngoài các bài viết của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi của văn chương Việt như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Phan Huyền Thư, Lê Minh Hà, Võ Thị Xuân Hà, Vi Thùy Linh...còn có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu nước ngoài như: Marion Hennebert, Peter Zinoman, Thomas A.Bass, Therry Leclere...

Theo thông tin từ nhóm biên soạn, sẽ có một buổi ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, diễn ra từ 20-22h ngày 4-7 thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950- 2021) xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam, nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật truyện ngắn với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...Tác phẩm của ông từng được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng và phát hành ở nhiều nước trên thế giới.