Nhà văn Trang Hạ tư vấn dạy con:

"Vẽ bản đồ cho con tự đi chứ đừng làm chó khai hoang"

ANTĐ - Tại buổi giao lưu Dạy con tuổi teen tự lập, nhà văn Trang Hạ cùng chuyên gia tâm lý, nhà giáo đã đưa ra phân tích về hành động nổi loạn của tuổi teen khi bỏ học, hay nói dối, không chia sẻ trách nhiệm…

Đã có rất nhiều trăn trở của phụ huynh về việc dạy con khi con bước vào “tuổi teen” - giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc định hình nhân cách. Nhà văn Trang Hạ, Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên, thầy giáo Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trưởng trường  THPT nội trú FPT đã gợi ý cách “gỡ nút” những thách thức dạy con mà nhiều phụ huynh đang gặp phải trong buổi giao lưu trực tuyến do trường THPT FPT và báo Dân trí tổ chức chiều 7-4.

Một phụ huynh thắc mắc con trai đột nhiên không tập trung vào việc học, thích làm mọi việc theo ý của mình, thậm chí gia đình đã cho học lại một năm lớp 8 nhưng không thay đổi, liệu có nên cho con nghỉ học hay đi học nghề.

Trả lời thắc mắc này, nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Hãy ngồi nhiều buổi với con, nói chuyện trực tiếp, hỏi xem con chị muốn gì, muốn trở thành ai, thấy thích thú điều gì nhất, có năng lực gì mà nó tự hào! Hãy vẽ bản đồ cho con tự đi tới tương lai. Chứ đừng làm chó khai hoang hay người phát bụi rậm đi trước rồi con lóc cóc theo sau tuân thủ như thế! Bố mẹ làm người chỉ đường thôi, con phải tự đi! Nên kể cả học nghề, học tiếp, hay bỏ ngang đi làm thuê, hay tìm cách nào đó thay đổi mục tiêu sống của con chị, chị cần hỏi con chứ không phải hỏi tôi. Tôi rất sợ phải quyết định cuộc đời một đứa trẻ mà tôi không quen biết!”.

Con tuổi teen luôn khiến các bậc phụ huynh đau đầu

Ông Trần Vũ Quang cho rằng, gia đình nên nói chuyện trực tiếp hoặc thông qua một ai đó có ảnh hưởng với em học sinh để tìm hiểu vấn đề em gặp phải như thiếu động lực học tập, hổng kiến thức hay có sự quan tâm nào khác? Để từ đó sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng nguyên nhân.

“Con tôi nói dối rất nhiều, nói dối thành thói quen và rất trôi chảy, mọi người không biết đâu là thật đâu là dối, lúc đầu tôi chỉ nghĩ là nó luyên thuyên nhưng giờ mọi việc nghiêm trọng hơn nhiều, nếu nói lý lẽ nó lảng sang chuyện khác, nếu mắng nó càng trở nên ngang ngược, mất kiểm soát. Tôi cảm giác tôi sắp mất nó rồi” – một phụ huynh phản ánh tình trạng con mình với Thạc sĩ Phùng Thị Hiên.

Theo Thạc sĩ, trước tiên gia đình cần nhìn nhận xem mục đích của việc con nói dối là để làm gì: Ví dụ nếu con nói dối để gây sự chú ý thì có thể con đang cảm nhận rằng mình chưa thực sự có được sự quan tâm từ những người xung quanh hoặc chưa quan tâm như cách con mong đợi. Cũng có thể con đã hiểu lầm thông điệp trong quá trình giao tiếp. Con nghĩ rằng mình phải nói những điều mà người lớn thích nghe, người lớn mong đợi.…

Từ những nguyên nhân đó, gia đình nói chuyện và thống nhất cùng con nguyên tắc, nhất quán với những gì đã trao đổi, đồng thời khen ngợi, ghi nhận khi con giảm việc nói dối sẽ giúp con dần cải thiện thói quen này.

Còn nhà văn Trang Hạ thì cho rằng: “Việc chứng minh nó nói dối càng làm cho sự thể trầm trọng hơn, nó bị đưa vào đúng tâm mũi tên trừng phạt, nó càng sợ hãi, nó càng cần tự vệ, nó càng có lý do để nói dối”. Thay vào đó, phụ huynh có thể đi đường vòng, qua cô giáo, qua bạn bè thân thuộc, qua những quan hệ xã hội của con chị vì họ có thể tác động lớn tới con mình.

Với câu hỏi làm sao để con chủ động chia sẻ trách nhiệm trong gia đình - nhà văn Trang Hạ tiết lộ: “Câu thần chú của gia đình tôi là: “Làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ!”. Hãy để đứa trẻ từ nhỏ được tham dự mọi thứ trong gia đình y như một thành viên nhỏ có trách nhiệm nhỏ, tương tự như mọi người. Đói nghèo, vất vả, bận rộn mỗi ngày, lo lắng tương lai… tất thảy mọi thứ đều phải cho nó cùng gánh!”