VCCI: Cần thận trọng khi áp dụng biện pháp tạm ngừng kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Góp ý cho Dự thảo Thông tin quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung thông tư có điểm chưa có căn cứ rõ ràng và can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cân nhắc khi áp dụng biện pháp tạm ngừng tạm nhập tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế

Cân nhắc khi áp dụng biện pháp tạm ngừng tạm nhập tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về việc tạm ngưng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế. Góp ý cho dự thảo này, VCCI cho hay, về căn cứ pháp lý, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất một số loại hàng hóa cụ thể là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Về căn cứ thực tiễn, theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì căn cứ để Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu là “trường hợp để ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, chuyển tải bất hợp pháp, nguy cơ gian lận thương mại”.

Theo thông tin tại Công văn số 5878/BCT-XNK thì “hiện nay có thông tin một số doanh nghiệp đang lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động. Tình trạng này có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế tiếp tục tăng cao trong thời gian tới”.

Theo VCCI, có thể hiểu, đây là căn cứ từ tình hình thực tiễn để cơ quan quản lý Nhà nước ban hành biện pháp tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu. Tuy nhiên, các thông tin này dường như chưa thực sự đủ rõ ràng và chưa thể hiện được rõ về bằng chứng khách quan được chứng minh bằng số liệu thực tế các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa là khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động để buôn lâu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã bị cơ quan chức năng phát hiện.

“Việc ban hành Thông tư tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa là biện pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần có đánh giá tác động một cách thận trọng, dựa trên các số liệu khách quan và thuyết phục về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đến mức buộc cơ quan quản lý nhà nước phải áp dụng biện pháp tạm ngừng kinh doanh”- VCCI nhấn mạnh.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý khi ban hành chính sách, VCCI đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các thông tin, số liệu về các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp của các thương nhân có hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế đã bị phát hiện và xử lý.