Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Vay tiền đã khó, tiêu hiệu quả còn khó hơn

ANTĐ - Hôm nay, 27-10, Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch, giải pháp năm 2012. Nhiều ý kiến không lạc quan với tình hình kinh tế thế giới năm tới và đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên chống lạm phát.

Hàng ít, tiền nhiều, lạm phát là phải

Về tình hình 2011, nhiều ĐBQH thống nhất nhận định, kinh tế vĩ mô phát triển chưa vững chắc, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng nợ xấu trong tín dụng tăng, lãi suất ngân hàng cao đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) phân tích: “Hàng ít, tiền nhiều đã dẫn tới lạm phát cao. Quản lý Nhà nước yếu mà cho thành lập ồ ạt ngân hàng thì quản lý sao được? Tiền huy động từ dân lại ném vào đất đai trong khi thị trường này đóng băng thì bảo sao lạm phát thấp được?”. ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) mong “Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết”. Ông cho rằng, nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.


Diệt sâu nhưng vẫn giữ được mùa

Hướng tới năm 2012, ĐB Mai Hữu Tín cho biết, “không lạc quan lắm với tình hình kinh tế thế giới sắp đến và triển vọng tăng trưởng”. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đặt kịch bản tiêu cực: nếu kinh tế Mỹ xấu đi, giá vàng lên cao thì không biết lạm phát ở Việt Nam sẽ như thế nào? Do đó, các ĐB đều thống nhất cao với mục tiêu tổng quát năm 2012, đó là phải ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế để bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, phải xây dựng mô hình tăng trưởng đi theo chiều sâu. Ông đề nghị có Luật Tiến cử nhân tài nhằm huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng tình với mục tiêu số một là chỉ số lạm phát một con số, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh khó khăn trong giải quyết đầu tư công. Ông nói: “Trong 1 năm, không thể nào sắp xếp trên 20 nghìn dự án. Một vài đoàn của Bộ KH-ĐT không đủ để điều chỉnh vấn đề này...”. Ông cũng cảnh báo về nạn tiêu cực, thất thoát trong đầu tư do thiếu nguồn nhân lực và năng lực quản trị dự án. “Kiếm tiền, mượn tiền đã khó nhưng quản trị dự án, đồng tiền đó sao cho có hiệu quả còn khó hơn” - ĐB Trần Du Lịch nói. Một số ĐBQH khác đề nghị rà soát một cách toàn diện các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước thua lỗ để kịp thời xử lý. Đồng thời, khẩn trương tái cơ cấu lại các ngân hàng thương mại theo hướng giảm hẳn về số lượng, nâng cao chất lượng và bảo đảm tính an toàn trong toàn bộ hệ thống. Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng phải làm kiên quyết nhưng không đơn giản vì lực cản  từ lợi ích nhóm. Ông nói: “Cánh đồng có sâu rầy, phun thuốc thế nào vừa đủ để diệt sâu nhưng vẫn giữ được mùa màng bội thu…”.

Giải pháp khẩn cấp cho giao thông

Ùn tắc, tai nạn giao thông là vấn đề được rất nhiều ĐBQH quan tâm. Đáng chú ý, nhiều ĐBQH cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh mới chấn chỉnh được tình hình giao thông hiện nay. ĐB Nguyễn Bá Thanh nói: “Nước nào mà mỗi năm có trên 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông? Chết ở đâu nhiều nhất, đó là Quốc lộ 1A. Phải sớm có đường bộ cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chất lượng tốt. Nói tiền đâu thì thật vô cùng, ta chỉ lo GPMB, có đất sạch rồi mời nhà đầu tư nước ngoài vào làm, sau này họ sẽ thu phí để thu hồi vốn, thế giới họ vẫn làm như thế”. So sánh hình ảnh người thanh niên dùng điếu cày phân làn ở Hà Nội buộc người đi đường phải chấp hành và những Thanh tra giao thông hiền lành hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn nhưng nhiều người không nghe, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, nhu cầu cấp bách phải có giải pháp đặc biệt.

Căng thẳng hơn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định, tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, tới mức có thể ban hành tình trạng khẩn cấp, nên cần thực hiện ngay những biện pháp hành chính mạnh. ĐB Lê Thị Nga cho rằng, phải cho phép Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông. Bà nói: “Nếu không dùng biện pháp mạnh thì chúng ta lại bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết trong năm tới. Chúng ta có thể huy động cả quân đội tham gia vào công tác này như một số quốc gia đã từng làm. Không có một giải pháp cấp bách nào có thể làm hài lòng tất cả các đối tượng trong xã hội. Ở đây, lợi ích thiểu số phải nhường cho lợi ích cộng đồng...”.

Đo mức độ hài lòng của người dân

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) kiến nghị Quốc hội đưa thêm chỉ tiêu “Mức độ hài lòng của người dân” để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Theo ĐB Mai Hữu Tín, việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó. Quốc hội có thể đưa ra tiêu chí cần thiết để việc điều tra này đem lại được những số liệu cụ thể, giúp các cơ quan quyền lực điều chỉnh pháp luật và chính sách hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả xã hội.

Điện, xăng: Không cho phép tăng giá để bù đắp lỗ ngoài ngành


Nhắc tới việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, phải thật minh bạch trong quản lý mới cho phép các mặt hàng này tăng giá. Dẫn ra những con số lỗ khổng lồ của một số tập đoàn kinh tế lớn, ĐB Trương Văn Vở cho rằng, không thể cho phép tăng giá để bù đắp cho những khoản lỗ do đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp này.

Loạn cấp phép, thả sức đào

Bức xúc về việc liên tiếp nhiều kỳ họp ĐBQH cảnh báo về buông lỏng quản lý đất đai, khai thác tài nguyên nhưng kết quả chấn chỉnh tới nay chưa được như mong muốn, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phản ánh: “Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa, dự án “treo”… vẫn còn rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn ha. Trong khi đó, các quận, huyện của Hà Nội loay hoay mãi không tìm ra đất để xây dựng trường học. Thu hồi thì đụng đâu vướng đó. Phải làm quyết liệt, công khai danh tính các đơn vị có vi phạm. Nếu cứ như hiện nay, chẳng bao lâu Nhà nước sẽ không còn đất. Khoáng sản thì “loạn cấp phép, thả sức đào”, ô nhiễm cả môi trường lẫn xã hội, cử tri mong các bộ trưởng chia sẻ bức xúc với cử tri về tình trạng trên”.