Vật chất và nhân văn

ANTĐ - Sáng nay đi làm, tôi gặp Đinh Thị Thu Huyền, nhân viên Trung tâm Truyền thông Sở Y tế Hà Nội. Hai anh em ngồi bàn chuyện phiếm…

- Sợ quá anh ạ, em vừa đọc báo thấy người dân mình gần đây vượt biên sang Trung Quốc bán thận “ầm ầm”. Vừa rồi có mấy trường hợp sang bán thận còn bị họ cắt trộm cả một số bộ phận nội tạng khác như gan, tụy…

- Vậy à! Chắc chỉ vài người sang đó bán thận thôi chứ làm gì đến mức “ầm ầm”?

- Một người ở Hậu Giang vừa sang đó bán thận về bảo trong nhà trọ gần một BV của Trung Quốc, lúc nào cũng có sẵn gần chục người từ nước mình sang nằm chờ bán thận. 

- Bán thận thì anh nghe nói rồi, nhưng sao phải sang tận Trung Quốc để bán nhỉ?

- Dân mình nhiều người còn nghèo, đường cùng họ mới phải tính đến chuyện bán thận. Thế nhưng ở nước ta, luật pháp lại nghiêm cấm việc mua bán mô, tạng cơ thể mà chỉ vận động, khuyến khích việc hiến tặng.

- Như thế là đúng, nếu cho phép mua bán tạng sẽ nảy sinh nhiều rắc rối lắm. Còn hiến tặng là một hành động rất nhân văn!

- Thế nên mới có chuyện người nghèo muốn bán thận thì phải bán chui bán lủi hoặc ra nước ngoài bán. Anh bảo mấy ai khỏe mạnh mà đi hiến thận, mô, tạng. Ngay cả những người đã chết cũng chẳng có mấy trường hợp đăng ký hiến tạng. Năm ngoái ở BV Việt Đức có đến hơn 1.000 người chết não nhưng chỉ vận động được 4 người hiến tạng thôi.

- Hàng nghìn người bệnh nước ta đang chờ ghép tạng mà không có để ghép, trong khi nhiều người lại sang nước họ để bán thận với giá “bèo”, nghĩ thấy ái ngại quá!

- Giữa vật chất với nhân văn, khó lựa chọn lắm. Cấm mua bán tạng là đúng rồi, nhưng giá như Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vật chất hoặc ưu ái đặc biệt cho những người đăng ký hiến tạng nếu họ không may tử vong, chết não… thì tốt biết mấy.